Hoạn nạn là phép thử

(PLVN) - Người đời có câu “Đến khi cả gió biết cây cứng mềm”. Quả thực là như vậy, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ và phơi bày những cách ứng xử khác nhau.
Người dân nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ

Trước hết, đó là trạng thái lo lắng của người dân trước dịch bệnh nên ra sức mua khẩu trang và tích trữ thực phẩm. Những người kinh doanh cho đây là cơ hội kiếm tiền nên đẩy giá lên tội vạ. Kinh doanh nhận thấy cơ hội kiếm tiền là lẽ thường tình song những cán bộ nhà nước, những người lĩnh trách nhiệm bảo vệ sức khỏe nhân dân lợi dụng thời điểm này để rút ruột hầu bao nhân dân, đẩy giá máy lên gấp nhiều lần thì đã bộc lộ sự xuống cấp nhân cách, xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ.

Thói quen phách lối, coi thường luật lệ và đạo đức xã hội của cả dân lẫn cán bộ, cả “người của công chúng”, “giới tinh hoa”... có dịp thể hiện với những phát ngôn gây sốc, hành vi ngang ngược, từ việc không đeo khẩu trang đến tụ tập đông người, từ chống đối lệnh cách ly đến chửi rủa những người làm nhiệm vụ chống dịch, từ lên Facebook “câu like” đến chê bai điều kiện ăn ở của nơi cách ly chống dịch.

Đáng lên án nữa là việc ăn chặn tiền quà cứu trợ. Liên quan đến gói hỗ trợ dịch bệnh 62 nghìn tỷ của Chính phủ cho những đối tượng khó khăn trong dịch cũng đã xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực như vận động người dân “tự nguyện” không nhận tiền hỗ trợ, đưa anh em, vợ con, họ hàng vào diện “cận nghèo”, thậm chí, có địa phương phát tiền xong lại thu lại hết.

Đáng buồn nhất trong chuyện này là chậm trễ giải ngân, dây dưa kéo dài, khiến người dân và doanh nghiệp dài cổ đợi. Mới đây nhất, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải lên tiếng, phê phán tình trạng này khi hồ sơ của doanh nghiệp “ngâm” hàng tuần ở huyện thì bao giờ mới đến tỉnh, Trung ương, khi nào thì doanh nghiệp mới được hỗ trợ đây.

Hỗ trợ hay cứu trợ đều là tình trạng khẩn cấp cần kịp thời và nhanh chóng, dây dưa như thế để làm gì nếu không phải là muốn kiếm chác trong chuyện này?

Đọc thêm