[links()]Các chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp, nhà quản lý và bạn đọc khắp nơi trong cả nước… gửi về hoan nghênh Pháp luật Việt Nam (PLVN) sau khi quy định công khai tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân (CMND) chính thức được Thủ tướng cho bãi bỏ. Bạn đọc đánh giá cao sự kiên trì theo đuổi thông tin và mổ xẻ vấn đề này một cách “quyết liệt” trên nhiều số báo PLVN, thậm chí còn chia sẻ một số “trở ngại” trong quá trình đi đến tận cùng vấn đề này.
PLVN là tờ báo đầu tiên khẳng định việc công khai tên cha, mẹ trên CMND là không hợp pháp, vì: Vi phạm Điều 16 Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về quyền trẻ em và Điều 38 Bộ luật Dân sự về bí mật đời tư của công dân.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet |
Bất ổn đủ đường
Trong những bài viết đầu tiên của loạt bài “CMND mẫu mới: Chưa “ra lò” đã phiền toái”, ngoài việc phân tích và dẫn chứng những điểm bất lợi về mặt xã hội của quy định công khai tên cha, mẹ của người được cấp trên CMND, PLVN là tờ báo đầu tiên đã đưa ra một số căn cứ pháp lý và qua đó khẳng định quy định này không hợp pháp, bởi nếu đối chiếu với Công ước của LHQ về quyền trẻ em mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á tham gia phê chuẩn thì quy định trong Thông tư 27/2012/TT-BCA về mẫu CMND của Bộ Công an hoàn toàn trái với Công ước này.
Trả lời PLVN về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) từng lên tiếng phản đối: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín của các em cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em; trẻ có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy.”.
Chính vì điều này, Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng An khi đó đã đề nghị: “Là người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tôi kiến nghị không nên đưa thông tin về gia đình, cha, mẹ vào CMND mới đối với mọi người, nhất là với trẻ em.”.
Còn đối với hệ thống luật pháp trong nước, Thông tư số 27/2012/TT-BCA với quy định ghi tên cha, mẹ nếu thực thi sẽ nảy sinh tình trạng văn bản dưới luật trái luật. Cụ thể, quy định nói trên của Bộ Công an trái với quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự , trong đó quy định rõ: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Nếu công khai tên cha, mẹ của người được cấp trên CMND đồng nghĩa với việc bí mật về gia đình, đời tư của người đó sẽ bị phơi bày.
Công văn 2595/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an bỏ tên cha, mẹ trên CMND |
Sửa xong Nghị định trong quý II
Hai chi tiết nói trên sau đó đã được một số cơ quan chức năng mà cụ thể là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã làm căn cứ để ký ban hành Văn bản số 151/KTrVB báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị “xem xét kỹ tính hợp pháp đối với nội dung quy định về việc ghi tên cha, mẹ của công dân vào CMND đã được quy định tại Nghị định 05 và Nghị định số 170”. Sau đó, Bộ Tư pháp đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng về việc bãi bỏ quy định này.
Sau một thời gian xem xét, ngày 2/4/2013, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ đã ký Văn bản số 2595/VPCP-NC gửi Bộ Công an truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng xung quanh Dự án sản xuất, cấp và quản lý CMND. Cụ thể: “Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 và Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 theo hướng bỏ thông tin họ và tên cha, mẹ trên CMND.
Thủ tướng cũng yêu cầu việc xây dựng, ban hành Nghị định trên thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong quý II/2013.”. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn lưu ý: “Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các Nghị định trên, không triển khai mở rộng Dự án sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân.”.
Những người đã đồng hành cùng PLVN nói gì?
PLVN trích đăng ý kiến của một số chuyên gia, giới chức quản lý ở các Bộ, ngành, Đại biểu Quốc hội đã đồng hành cùng Báo trong loạt bài về CMND sau khi Thủ tướng chính thức yêu cầu bỏ thông tin cha, mẹ trên CMND.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Thắng lợi lớn của một chuyên đề
Thông tin Thủ tướng đồng ý đề xuất bỏ tên cha, mẹ trên CMND khiến người dân, dư luận đều mừng. Với Báo PLVN, tôi nghĩ đó là thắng lợi của chuyên đề “CMND mẫu mới: Chưa “ra lò” đã phiền toái”. Tôi cùng nhiều chuyên gia khác đã mổ xẻ những bất hợp lý của chủ trương này ngay từ ngày đầu triển khai. Và rất mừng sau đó, những góp ý này trên PLVN đã được Bộ Tư pháp - cơ quan thẩm định văn bản tiếp thu và lên tiếng kiến nghị xem xét lại các Nghị định về CMND.
Tôi thường xuyên đọc PLVN và thấy tờ báo ngày càng có độ chín, nghiêm túc. Gần đây, Báo đã đưa lên diễn đàn để trao đổi, phản biện một số chủ trương, chính sách có liên quan đến đời sống nhân dân. Tôi nghĩ rằng đây là hướng đi đúng với tôn chỉ, mục đích của Báo, cần được tiếp tục phát huy. Chỉ tính riêng trong chuyên đề về CMND, việc mời được khá nhiều chuyên gia, luật sư, Đại biểu Quốc hội… tham gia trao đổi, phản biện về chủ đề này trên suốt các kỳ báo đã cho thấy uy tín của PLVN.
Sự tiếp thu của Chính phủ về vấn đề này là kịp thời, đúng ý nguyện của dân. Những phản ứng của người dân qua công luận đã được Chính phủ quan tâm, lưu ý..
Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội): Đừng vì dự án này, kia mà làm cố, tốn tiền
Thủ tướng đồng ý bỏ thông tin cha, mẹ trên CMND là rất phù hợp. Là người đầu tiên trao đổi trên PLVN việc chủ trương này vi phạm Điều 16 Công ước của LHQ về quyền trẻ em mà VN là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn, tôi và phóng viên đã theo dõi những phản ứng của cơ quan chức năng. Kết quả như hôm nay đã cho thấy PLVN đi đúng hướng trong việc bảo vệ sự thật, suy tôn lẽ phải.
Tôi cũng nhận thấy có một số báo có thể vì bị ảnh hưởng cái gì đó mà trong quá trình phản ánh vấn đề này đã lệch hướng đi. Cũng qua sự việc này, mới thấy được một điều là đôi khi đừng vì dự án này nọ mà cố ý làm, gây tốn kém tiền của, thời gian của nhân dân, Nhà nước; đặc biệt tạo dư luận không hay, người dân mất niềm tin với cơ quan nhà nước.
Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (Bộ Công an): Tôi từng bị “chỉnh” chuyện phát ngôn về CMND
Loạt bài về CMND rất công phu trên PLVN là một phản ứng tốt tạo hiệu ứng tán thành cao trong xã hội. Đến Thủ tướng cũng chấp nhận phản ánh, kiến nghị đó, bởi vậy tôi đánh giá cao sức nặng, thuyết phục của loạt bài. Cảm giác của tôi cũng như nhiều người dân là rất mừng sau khi nghe tin Thủ tướng đồng ý việc bỏ tên cha, mẹ trên CMND.
Nhớ lại, sau thời điểm tôi phát biểu trên PLVN về việc “đưa thêm tên cha, mẹ vào CMND không hề phục vụ được gì cho nghiệp vụ điều tra” như mục tiêu đề án, thì trong ngành Công an đã có văn bản đề nghị tôi về vấn đề phát ngôn, đại ý có gì trao đổi trong ngành, không nói ra ngoài với báo chí.
Tuy nhiên, ngay tại một cuộc họp, tôi có ý kiến chẳng có đơn vị nghiệp vụ nào có văn bản trao đổi hay hỏi gì tôi cả, mà đây là vấn đề chung, vì quyền lợi của người dân nên không có gì tôi ngại khi phát biểu với PLVN. Tôi cho rằng, bất cứ chủ trương nào liên quan đến người dân, cần phải thấu tình, đạt lý mới triển khai, chưa chuẩn thì sửa. Không nên sai rồi vẫn bắt dân sai theo.
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm, việc đổi lại CMND cho những trường hợp đã “trót” cấp, tôi cho là chuyện phải làm, bắt buộc phải sửa, tất nhiên có lãng phí tiền của Nhà nước. Ngay khi đã bỏ tên cha, mẹ đi rồi thì tôi nghĩ, CMND mới cũng không đáp ứng được việc phòng, chống tội phạm vì vân tay trên mẫu CMND mới này không đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, bị nhòe, không rõ nét. Nếu mục tiêu phòng chống tội phạm không đạt được, tôi nghĩ hãy để Bộ Tư pháp hay Bộ Nội vụ cấp CMND.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Hoan nghênh Báo PLVN
Trong câu chuyện này, PLVN đã thể hiện rõ vai trò của mình đối với công tác phản biện để hoàn thiện pháp luật, thông qua việc đánh giá về tính hợp lý, sự chính đáng, đúng đắn của một quy định. Cái được ở đây là PLVN đã vào cuộc và theo đuổi một cách khá kiên trì, với những phân tích, dẫn chứng sát thực tế xung quanh việc đổi CMND có tên cha, mẹ.
Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, tôi hoan nghênh sự vào cuộc kịp thời đó của những người làm báo Báo PLVN. Mong rằng trong thời gian tới, báo tiếp tục tham gia, phát hiện và phản biện những bất hợp lý trong quá trình xây dựng luật để ngày một hoàn thiện hơn.
Tuấn Anh - Thanh Quý