Tại phiên tòa được mở theo hinh thức lưu động trong tru sở TAND tỉnh Sơn La, trong phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) đã nộp đơn từ chối 4 trong 6 luật sư của mình. Trong số luật sư bị từ chối, có một người do tòa chỉ định.
Hai luật sư bào chữa cho bị cáo Khoa được bị cáo chấp nhận lại đã có đơn xin hoãn phiên tòa do phải tham gia phiên tòa khác. Bị cáo Khoa cũng xin hoãn phiên tòa do các luật sư vắng mặt.
Bên cạnh đó, Luật sư của các bị cáo khác cũng đề nghị hoãn phiên tòa.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng, đây là Phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, trong đó bị cáo Khoa kêu oan, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử hoãn Phiên tòa để đảm bảo quyền của bị cáo.
Sau khi nghe ý kiến của các luật sư và đại diện Viện kiểm sát, HĐXX đã tiến hành nghị án và đưa ra quyết định hoãn Phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo. Hội đồng xét xử yêu cầu trong phiên xét xử sau, các bị cáo phải cam kết có đủ luật sư để bào chữa, nếu không phải tự bào chữa để không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Trước đó, như PLVN đã đưa tin, hôm nay (14/10), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT 2018 xảy ra ở Sơn La.
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Sơn la đã tuyên phạt bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".
Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La) bị tuyên phạt 8 năm tù và bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (cựu chuyên viên và Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) bị tuyên phạt 30 tháng tù.
Bị cáo Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 15 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt của hai tội 21 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên và Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội 19 năm 6 tháng tù.
Sau khi có bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Xuân Yến đã kháng cáo cho rằng bị cáo không phạm tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Lò Văn Huynh kháng cáo cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi nhận hối lộ 1 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Minh Khoa và đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bị cáo cho rằng bản thân không thực hiện hành vi đưa hối lộ 1 tỷ đồng cho bị cáo Lò Văn Huynh, không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, bản án sơ thẩm có những sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật.
Bị cáo Khoa đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, thu thập bổ sung, đánh giá toàn diện các chứng cứ để chứng minh bị cáo không phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn cũng kháng cáo cho rằng bị cáo chỉ giữ vai trò giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn, không phải là người thực hành, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh “Nhận hối lộ”.
Ngoài 5 bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Thanh Yến (vợ bị cáo Huynh) và ông Lê Thanh Sơn (em vợ ông Huynh) cũng kháng cáo yêu cầu xem xét lại phán quyết liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm liên quan khoản tiền 1 tỷ đồng.