“Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa
Trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có những trao đổi với báo chí về tầm quan trọng cũng như kỳ vọng đặt ra sau Hội nghị. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhất là sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa. Sự quan tâm đó là có cơ sở lí luận và thực tiễn, bởi các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển, là một trong 4 trụ cột mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nói rất rõ.
Do đó, quy mô của Hội nghị khá lớn, tính chất toàn quốc, nên bên cạnh việc tổ chức tại hội trường Diên Hồng với sự tham dự của gần 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sỹ, tổ chức chính trị xã hội thì Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm điểm cầu của các tỉnh, thành ủy, quy mô tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh, các cơ quan ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh).
Nội dung trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Dựa trên đường lối của Đảng, đặc biệt là tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa được Đảng xác định là kim chỉ nam cho hành động, thì chúng ta nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về văn hóa đã đạt được thành tựu, khó khăn, yếu kém gì.
Từ đó rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn. Tiếp theo, từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm của Đảng, thực tiễn qua 35 năm đổi mới, dưới góc độ văn hóa thì yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
Tập trung triển khai hệ giá trị con người Việt Nam
Về những kỳ vọng sau Hội nghị, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đây là vấn đề không chỉ báo chí quan tâm mà còn có các nhà làm văn hóa, đội ngũ thực hành văn hóa, văn nghệ sỹ - những chiến sỹ tiền phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, các thế hệ lãnh đạo, nói rộng ra là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm với mong muốn sau Hội nghị chúng ta phải nhận thức đúng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm, đường lối của Đảng ta về văn hóa.
Lý do là chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống và nâng tầm nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên thì chúng ta mới có điều kiện thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, không đi chệch hướng, phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa mà chúng ta đang hướng đến là tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là nền văn hóa biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại trong qua trình tiếp biến, chủ động khắc phục những tác động của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình hội nhập.
“Đặc biệt, sau Hội nghị, chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước. Phải đặt con người trong tổng thể, vừa là nhân vật trung tâm, chủ thể xây dựng văn hóa và ở chiều ngược lại văn hóa giúp hình thành nên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam. Đó là con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Cần phát hiện những “điểm nghẽn” của pháp luật về văn hóa
Ngày 12/11/2021, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được ban hành. Về vấn đề ngành Văn hóa triển khai thực hiện Chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, nâng cao nhận thức một cách đầy đủ nhất về các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hoá để tuyên truyền, phát triển và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trước tình hình mới.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, văn hóa là lĩnh vực rộng lớn. Quản lý và điều hành văn hóa, lãnh đạo văn hóa trong bối cảnh mới phải đổi mới tư duy, thay vì làm văn hóa phải chuyển sang quản lý nhà nước về văn hóa. Muốn vậy, phải hoàn thiện về thể chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý. Đó là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định. Ngành Văn hóa cần rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng để xem ở lĩnh vực nào chúng ta đang thiếu, lĩnh vực nào cần phải bổ sung, hoàn thiện. Cần phát hiện được những “điểm nghẽn” để xây dựng các quy định pháp luật, nói rộng hơn là các luật, nghị định, thông tư. Cách tiếp cận xây dựng luật là tạo ra động lực phát triển.