Hoàn thiện hành lang pháp lý để dân không “ngại” đăng ký

(PLO) - Sáng qua (24/12), các tổ chức, cá nhân sử dụng hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) và các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có thẩm quyền ĐKGDBĐ đã cùng đối thoại về ĐKGDBĐ tại Diễn đàn do Bộ Tư pháp phối hợp với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức nhằm từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về ĐKGDBĐ.
Hoàn thiện hành lang pháp lý để dân không “ngại” đăng ký
“Uy tín” giảm vì pháp luật “chiều chuộng” con nợ?
Khẳng định việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về ĐKGDBĐ đã góp phần đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, ông Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (GDBĐ), Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn Đối thoại tham gia Diễn đàn -  chỉ ra một vấn đề đang làm giảm hiệu quả hoạt động ĐKGDBĐ chính là các qui định pháp luật vẫn có xu hướng “nuông chiều con nợ dẫn đến tình trạng chây ỳ, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân nhận giao dịch có bảo đảm bằng tài sản”. 
Quan trọng hơn, theo nhận định của các tổ chức tín dụng, những trường hợp GDBĐ bị biến thành giao dịch không có bảo đảm, bên nhận bảo đảm không thu hồi được nợ từ tài sản bảo đảm, còn ảnh hưởng đến uy tín của hoạt động ĐKGDBĐ.
Tình trạng này một phần nguyên nhân là do pháp luật về ĐBGDBĐ đang có sự bất cập, không phù hợp với thực tiễn nên người yêu cầu đăng ký khó nắm vững và thực hiện đúng. Có không ít trường hợp do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu người dân, doanh nghiệp thực hiện một số thủ tục chưa đúng với quy định của pháp luật hiện hành, cán bộ đăng ký vẫn còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền đăng ký đối với một số đơn đăng ký có tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, căn cứ pháp lý khác, từ chối đăng ký chưa phù hợp với quy định hiện hành… nên người yêu cầu đăng ký “dễ dàng chấp nhận hành vi tiêu cực để được giải quyết hồ sơ yêu cầu đăng ký”... 
Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của ĐKGDBĐ
Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng, tính xác thực của hoạt động ĐKGDBĐ mà còn làm giảm lòng tin, thậm chí có thể hình thành tâm lý “ngại” thực hiện thủ tục ĐKGDBĐ của người dân, tổ chức khi tham gia các giao dịch có bảo đảm bằng tài sản, dẫn đến những nguy cơ đe dọa độ an toàn của giao dịch với các bên tham gia.
Trước nhu cầu ngày càng tăng của các giao dịch tài chính thông qua các GDBĐ bằng tài sản, việc phát huy vai trò của hoạt động ĐKGDBĐ là cần thiết để giữ sự an toàn cho thị trường tài chính. Thống nhất với quan điểm này, đại diện nhiều tổ chức tín dụng, công chứng viên và luật sư cùng cho rằng, ưu tiên trước mắt nên là hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐKGDBĐ với việc ban hành một đạo luật về đăng ký tài sản, trong đó có quy định về ĐKGDBĐ, xây dựng hệ thống dữ liệu thống nhất về ĐKGDBĐ, xây dựng mô hình cơ quan đăng ký tập trung các GDBĐ; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập xuất phát từ quy định của pháp luật cũng như tiêu cực, hạn chế từ phía cán bộ thực hiện đăng ký để chấn chỉnh những hành vi chưa phù hợp với quy định của pháp luật, có giải pháp khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành, đưa công tác ĐKGDBĐ đi vào nền nếp, ổn định.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: 
”Diễn đàn đối thoại về ĐKGDBĐ năm 2013 (lần thứ 3) là sự kiện quan trọng và cần thiết nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về thực tiễn công tác ĐKGDBĐ bằng các loại tài sản như động sản, bất động sản, tàu bay, tàu biển trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là cơ hội để những đối tượng trực tiếp sử dụng hệ thống ĐKGDBĐ (người yêu cầu đăng ký) với những người trực tiếp thực hiện đăng ký (cán bộ đăng ký của các cơ quan ĐKGDBĐ) trao đổi thẳng thắn, công khai, làm rõ những vướng mắc, bất cập, khó khăn xuất phát từ quy định của pháp luật cũng như từ khâu tổ chức thực hiện đăng ký và khâu quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ. Trực tiếp giải đáp vướng mắc xuất phát từ quy định của pháp luật và từ thực tiễn nhằm giúp tổ chức, cá nhân có cơ sở để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ĐKGDBĐ. Giúp cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện để nghe phản ánh từ phía người dân, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ĐKGDBĐ, những bất cập của pháp luật hiện hành, từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp từng bước đưa công tác ĐKGDBĐ vào nền nếp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế”.

Đọc thêm