Yêu cầu cấp bách…
Phát biểu tại Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng – Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 28/04, bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng khẳng định: Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung liên quan đến tài sản số và tín chỉ carbon.
Đơn cử như Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025; Quyết định 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam...
“Đây là những ví dụ điển hình thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc từng bước định hình hệ sinh thái cho các loại tài sản mới nổi như tài sản số và tín chỉ carbon…”- Tổng biên tập Lê Thị Thúy Sen nhấn mạnh.
![]() |
Bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng. Ảnh: TBNH |
Về phía ngành Ngân hàng, thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 01/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính đang khẩn trương, tích cực nghiên cứu để đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo môi trường đầu tư an toàn.
"Chỉ khi hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và cập nhật kịp thời với xu thế công nghệ, thì mới có thể khai thác tối đa tiềm năng của tài sản số và tín chỉ carbon trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời kiểm soát được các rủi ro liên quan..."
TS Giacomo Merello
Tại Hội thảo, các chuyên gia chỉ ra rằng, tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tài sản số trong hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự (2015) có định nghĩa tài sản nhưng không rõ ràng về tài sản số; Luật Giao dịch điện tử không đề cập đến tài sản số mà chỉ bảo vệ giao dịch điện tử; Nghị định 101/2012/NĐ-CP đề cập đến tiền điện tử nhưng không công nhận Bitcoin và tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp; Nghị định 80/2016/NĐ-CP cấm phát hành và sử dụng tiền ảo như Bitcoin;
Quyết định 194/QĐ-TTg và Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là dự thảo Luật lần đầu tiên định nghĩa về tài sản số và quyền sở hữu tài sản số. Mở đường cho việc quản lý và giao dịch bảo đảm tài sản số (thế chấp, ký quỹ)....
Theo TS. Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội, tài sản số có tính thanh khoản cao, dễ giao dịch, minh bạch, tiết kiệm chi phí và góp phần thúc đẩy kinh tế số. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp thực tiễn phát triển và xu hướng toàn cầu hóa.
“Việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm hơn khi tiếp cận loại tài sản mới mà còn tạo động lực thúc đẩy tài chính xanh, kinh tế số – phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững”- TS. Lê Thị Giang nhấn mạnh.
Hoàn thiện theo hướng nào?
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Giacomo Merello, Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy kinh doanh tài sản kỹ thuật số Antigua và Barbuda; đặc phái viên Kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Antigua và Barbuda tại Singapore, cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa có quy định rõ ràng về giao dịch tài sản số, đặc biệt là việc sử dụng crypto làm tài sản thế chấp.
Do đó, phần lớn quy định hiện tại là tự điều chỉnh bởi các ngân hàng và họ đều rất thận trọng bởi có rất nhiều yếu tố rủi ro liên quan. Chỉ một số ít cơ quan quản lý trung ương bắt đầu đưa ra hướng dẫn về loại hình giao dịch này. Các vấn đề pháp lý xuyên biên giới cũng rất phức tạp, đặc biệt đối với ngân hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Giacomo Merello lưu ý, Việt Nam nên theo sát những động thái từ các nước trên thế giới để rút kinh nghiệm.
“Việt Nam là một quốc gia với tiềm năng phát triển rất lớn trong lĩnh vực công nghệ và tài sản số. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý tài sản số một cách thận trọng là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nếu không kịp thời tạo điều kiện pháp lý phù hợp, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến thuế đối với tài sản số cần được chú trọng để đảm bảo cách tiếp cận vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo trong nước”- ông Giacomo Merello đề xuất.
![]() |
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TBNH |
Từ thực trạng và kinh nghiệm quốc tế, TS Lê Thị Giang (Trường Đại học Luật) đã đưa ra một số đề xuất thiết thực nhằm xây dựng khung pháp lý phù hợp cho Việt Nam.
Thứ nhất, cần xác lập rõ ràng địa vị pháp lý của tài sản số và tín chỉ carbon trong Bộ luật Dân sự. Việc bổ sung khái niệm tài sản số vào luật sẽ tạo tiền đề cho việc thừa nhận chúng là đối tượng của các giao dịch bảo đảm, thay vì chỉ nằm trong phạm vi các tài sản truyền thống như hiện nay.
Thứ hai, bên cạnh việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 21/2021/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm. Theo đó, quy định chi tiết phương thức thế chấp, ký quỹ tài sản số và tín chỉ carbon, đồng thời hướng dẫn quy trình lưu giữ, định giá và xử lý các tài sản này.
Thứ ba, xây dựng bộ quy chuẩn riêng về định giá tài sản số, tín chỉ carbon trong giao dịch tín dụng. Bởi lẽ, do tính chất biến động cao, việc định giá tài sản số khác biệt rất lớn so với tài sản vật lý thông thường. Cần có các tổ chức định giá độc lập, được cấp phép chuyên môn sâu về tài sản số và tài chính xanh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần thiết lập cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) trong lĩnh vực tài sản số và tín chỉ carbon. Điều này cho phép các mô hình mới được kiểm nghiệm trong môi trường pháp lý an toàn, từ đó điều chỉnh dần các quy định để phù hợp với thực tiễn mà không gây rủi ro cho hệ thống tài chính. Trong dài hạn, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế về công nhận lẫn nhau đối với tài sản số và tín chỉ carbon, đặc biệt trong các giao dịch xuyên biên giới. Như vậy, các ngân hàng Việt Nam sẽ không chỉ tiếp cận nguồn vốn trong nước, mà còn mở rộng cơ hội hợp tác và huy động vốn quốc tế.