"Hoãn tù" - biến tướng nguy hại khôn lường

  Chế định về hoãn thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được quy định khá chi tiết, cụ thể trong Bộ luật Hình sự 1999, Luật Thi hành án hình sự 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc trong chính sách hình sự của nhà nước ta. Tuy nhiên, trong thực tiễn quy định nhân đạo này đang có nguy cơ bị lạm dụng.   

[links()] Chế định về hoãn thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được quy định khá chi tiết, cụ thể trong Bộ luật Hình sự 1999, Luật Thi hành án hình sự 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc trong chính sách hình sự của nhà nước ta. Tuy nhiên, trong thực tiễn quy định nhân đạo này đang có nguy cơ bị lạm dụng. 

Khoản 1 điều 61 BLHS 1999 quy định được xét cho hoãn THA phạt tù đối với một trong những trường hợp sau: bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm,  trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến một năm….
Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về những trường hợp được hoãn THA phạt tù. Theo đó, chỉ những người bị xử phạt tù có nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 61 BLHS thì mới được xét hoãn THA.  
Cần có biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ các trường hợp được hoãn THA
Hoãn - Từ tùy tiện đến … vô thời hạn
Theo quan điểm của TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC- thì hiện nay mặc dù các quy định pháp luật về những trường hợp được hoãn THA tù rất chặt chẽ, nghiêm khắc nhưng thực tiễn áp dụng lại khá linh hoạt, mỗi nơi mỗi kiểu dẫn đến tình trạng “muôn hoa đua nở”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phương - Phó Chánh án TAND TP Hà Nội: 
Nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền xét hoãn, tạm đình chỉ THA tù!
Luật Thi hành án hình sự hiện hành quy định Chánh án TAND cấp tỉnh nơi phạm nhân đang chấp hành án có thẩm quyền xét tạm đình chỉ THA cho phạm nhân. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền nơi phạm nhân đang chấp hành án có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phải xem xét, quyết định. 
Việc xét tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho các phạm nhân có hồ sơ đề nghị đang cải tạo trong 7 Trại giam này thuộc thẩm quyền và thuộc trách nhiệm của Chánh án TAND TP Hà Nội. Lượng việc nhiều mà luật quy định về thời gian khá ngắn (7 ngày) sẽ là áp lực rất nặng nề- nhất là khi toàn bộ hồ sơ, quy trình xét duyệt hoãn THA cho phạm nhân lại do Ban giám thị Trại giam trực tiếp lập, đề xuất. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng bị án nữ đẻ liên tục để được hoãn THA dài dài khá phổ biến ở nhiều địa phương khiến quy định nhân đạo này đang bị lạm dụng nghiêm trọng.

Tương tự, nhiều trường hợp bị án chỉ mắc chứng bệnh thông thường, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng vẫn được cho hoãn THA. Lại có những bị án không phải là lao động duy nhất trong gia đình nhưng vẫn tự khoác cho mình trách nhiệm đó và vẫn được xét cho hoãn “vào kho”.  

Thậm chí, ở một số địa phương còn xét cho hoãn THA cả những trường hợp pháp luật không quy định được hoãn. Pháp luật chỉ quy định cho hoãn THA đối với trường hợp bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo chứ không có quy định nào về việc bị cáo tuổi cao, sức yếu nhưng cơ quan tố tụng địa phương rất “ngại” bắt tạm giam những “đại lão bị cáo” chỉ vì thấy họ già cả, ốm yếu quá, lo ngại họ sẽ chết trên đường áp giải hoặc chết trong trại giam! 
Cùng với tình trạng bị án nữ đẻ liên tục khiến cơ quan tố tụng không biết đến khi nào mới thực hiện lệnh bắt THA được thì cũng còn nhiều trường hợp bị án tuổi cao, sức yếu cũng được cho hoãn THA vô thời hạn. Đáng nói, trong thời gian hoãn tù, các bị án đó vẫn ngựa quen đường cũ ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an, gây bức xúc dư luận.    
Nguy hại khôn lường
Việc xét hoãn THA tùy tiện, dễ dãi dẫn đến tình trạng quy định nhân đạo của pháp luật hình sự đang bị lạm dụng, phản tác dụng. Chưa kể, việc bị án trong thời gian được hoãn tù nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật rất dễ “ngựa quen đường cũ” tái phạm tội hoặc tái phạm nguy hiểm.
Nhiều trường hợp, khi cơ quan thẩm quyền tiến hành bắt THA thì đối tượng đã bỏ trốn, buộc phải truy nã, gây hậu quả khôn lường cho xã hội, giảm sút niềm tin của nhân dân vào tinh thần thượng tôn pháp luật. 
Theo con số thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 7/2011, cả nước còn hơn 17.000 đối tượng truy nã đang lẩn trốn ngoài xã hội và tiếp tục phạm tội, con số này chưa tính đến hơn 4.000 đối tượng đã bị bắt nã trong 6 tháng đầu năm 2011 (tăng 21% so với năm 2010). Trong số những đối tượng đang trốn nã đó, có không ít đối tượng đã lợi dụng “kẽ hở” được cho hoãn chấp hành hình phạt tù để tranh thủ thời gian tự do tẩu thoát khiến cơ quan tố tụng rơi vào tình cảnh “thả gà ra đuổi”.

Theo TS Nguyễn Tiến Hùng- Chánh án TAND TP Nam Định, để thực hiện nghiêm minh, sát sao quy định pháp luật về hoãn THA phạt tù, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục việc kiểm tra, rà soát những trường hợp sắp hết thời hạn hoãn THA để Chánh án ra quyết định THA, buộc bị án phải chấp hành bản án tù đã có hiệu lực pháp luật. Trong công tác này, cần sự chung tay phối hợp của liên ngành tố tụng trong việc kiểm sát, đôn đốc, thi hành quyết định THA.

Vai trò của chính quyền địa phương nơi bị án đang cư trú cũng rất quan trọng nhằm giáo dục vận động đối tượng bị án tự giác đi chấp hành án phạt tù. Vì theo quy định của pháp luật, nếu quá thời hạn 7 ngày kể từ ngày hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù, người bị kết án không có mặt tại cơ quan Công an để đi chấp hành án mà không có lý do chính đáng, thì cơ quan Công an phải tiến hành áp họ đi THA.

Việc ra quyết định THA phạt tù khi án đã có hiệu lực pháp luật là khâu cuối cùng và cũng là khâu quan trọng nhất của vụ án. Bởi vậy hơn bất cứ khâu nào, quy trình THA phải được thực hiện nghiêm túc, sát sao mới đảm bảo cho bản án được thực thi nghiêm minh và công bằng- nếu không thì coi như cả một quy trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử dù nghiêm minh công bằng chặt chẽ đến đâu cũng không phát huy được tác dụng.
Ông Ngô Hồng Phúc - Phó Chánh Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội: 
Trách nhiệm và lương tâm của cán bộ tố tụng phải đặt lên hàng đầu!
Khắc phục những “lỗ hổng” trong công tác hoãn THA phạt tù, theo tôi trước hết cần phải nâng cao hơn nữa lương tâm và trách nhiệm của các cán bộ tố tụng- những người có thẩm quyền trong việc quản lý, giám sát, xét hoãn, tạm đình chỉ THA tù. 
Công tác xét hoãn THA tù là cả một quy trình với nhiều công đoạn từ hồ sơ đề nghị, giám sát, xét duyệt nên sự phối hợp liên ngành tố tụng có vai trò rất quan trọng. Quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn đã rõ và đầy đủ, nếu những người có thẩm quyền làm hết lương tâm trách nhiệm của mình thì chắc chắn sự sai sót, tùy tiện khó “lọt lưới”. Cần nhấn mạnh, công đoạn THA là giai đoạn cuối cùng, quan trọng nhất của vụ án nên quy trình xét hoãn THA tù phải được thực hiện nghiêm túc, sát sao để tinh thần pháp luật được thượng tôn. 

Bảo Khánh

Đọc thêm