’Hoảng’ vì học phí các trường ngoài công lập

Bộ GD-ĐT vừa phát hành cuốn những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2010. Và cũng như năm ngoái, dư luận lại phát “hoảng” vì mức học phí của các trường ngoài công lập.

Bộ GD-ĐT vừa phát hành cuốn những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2010. Và cũng như năm ngoái, dư luận lại phát “hoảng” vì mức học phí của các trường ngoài công lập.

Điều đáng nói là ở một số trường này, học phí thì cao ngất nhưng chất lượng thì chưa ai có thể kiểm định.

Học phí cao ngất ngưởng

Công khai học phí trong cuốn những điều cần biết đã giúp học sinh và người nhà dễ dàng lựa chọn trường hơn. Qua đây, cũng có thể thấy, học phí các trường ngoài công lập đang là băn khoăn của nhiều người. Trong khi chất lượng, cơ sở vật chất vẫn vừa “chạy vừa xếp hàng” thì học phí của trường vẫn ở mức “nhà nghèo phải khóc”.

ĐH Công nghệ và quản lý hữu nghị công bố mức học phí 1.100.000đ/tháng, tương đương 11 triệu đồng/năm. Đồng thời, nhà trường cũng không ngần ngại tuyên bố “trên thực tế, chi phí đào tạo 36 triệu/năm/sinh viên. Nhà đầu tư đã hỗ trợ trên 70% học phí cho tất cả sinh viên, trong cả khoá học.

ĐH quốc tế Bắc Hà học phí vẫn là 20 triệu/năm/sinh viên đối với ngành kỹ thuật và 18 triệu đối với ngành kinh tế. Hệ CĐ thì mức học phí các ngành tương đường giảm một nửa.

thuhocphi.jpg
Thu tiền học phí (Ảnh minh họa)

ĐH Thăng Long cũng phân ra ba mức học phí: ngành điều dưỡng có giá 15 triệu/năm/sinh viên, các ngành khoa học kỹ thuật, tiếng Anh, Trung, Nhật giá 14,5 triệu/sinh viên/năm; những ngành còn lại giá 14 triệu /sinh viên/năm.

ĐH Nguyễn Trãi nổi tiếng với những giảng đường sinh viên vừa học vừa xem được bóng đá tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng có mức học phí 15 triệu/năm/sinh viên.

Mức học phí “khủng nhất” phải kể đến ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nếu học theo chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, sinh viên sẽ đóng từ 37 triệu đến 42,5 triệu/năm/sinh viên. Còn nếu học bằng chương trình tiếng Anh, sinh viên sẽ đóng từ hơn 96 triệu đến hơn 105 triệu/sinh viên/năm.

Những trường ngoài công lập khác đa số đều có mức học phí dao động từ trên 5 triệu đến dưới 10 triệu/năm/sinh viên.

3 lời khuyên cho thí sinh khi làm hồ sơ đăng ký dự thi

Theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh cần lưu ý 3 điều sau:

Thứ nhất đó là sức học của mình. Thời gian qua, điểm chuẩn vào các trường tương đối ổn định, không có nhiều đột biến, do đó, thí sinh nên lượng sức mình để chọn trường, chọn khoa cho phù hợp với sở thích của mình.

Thứ hai, thí sinh cũng nên dựa vào điều kiện kinh tế của gia đình để chọn trường. Hiện nay, các trường ĐH địa phương, ĐH vùng đều đào tạo đa ngành, do đó, rất thuận lợi cho thí sinh lựa chọn. Thứ 3 là thí sinh phải thật chú ý mục 2 khi khai hồ sơ. tại mục 2 của phiếu đăng ký dự thi, tất cả thí sinh có NV1 đăng ký vào học tại các trường có tổ chức thi tuyển sinh đều phải ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi, mã ngành của trường mà thí sinh sẽ dự thi và có NV1 vào học.

Riêng thí sinh có NV1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các trường ĐH phải khai hồ sơ như sau: mục 2: chỉ ghi tên trường, ký hiệu trường và khối thi của trường mà thí sinh dự thi (không ghi mã ngành). Mục 3: ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường không tổ chức thi hoặc của hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các trường ĐH mà thí sinh có NV1.

Theo Zing

Đọc thêm