Hoạt động Công đoàn ở các doanh nghiệp cổ phần hóa

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các DNNN. Cùng với sự thay đổi về cơ chế quản lý, điều kiện hoạt động của các đoàn thể tại DN, nhất là tổ chức Công đoàn cũng đang có sự thay đổi về phương thức dưới góc nhìn của các nhà quản lý DN.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các DNNN. Cùng với sự thay đổi về cơ chế quản lý, điều kiện hoạt động của các đoàn thể tại DN, nhất là tổ chức Công đoàn cũng đang có sự thay đổi về phương thức dưới góc nhìn của các nhà quản lý DN.

Mô tả ảnh.
Hoạt động văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần công nhân, lao động Công đoàn Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours).

Ở thành phố Đà Nẵng, phần lớn các DNNN thực hiện CPH vào những năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2001-2005). Bên cạnh một số DN khi tiến hành CPH đã gặp phải áp lực, còn lúng túng trong cơ chế quản lý mới, chưa thích nghi với môi trường kinh doanh đầy biến động, đã có nhiều DN thích nghi nhanh với môi trường mới này, điển hình như: Công ty CP Dệt- may 29-3, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP In và Dịch vụ Đà Nẵng, Công ty CP Dệt Hòa Khánh, Công ty CP Nhựa Đà Nẵng, Công ty CP In sách giáo khoa Hòa Phát…

Các DN này sau CPH đã tổ chức hoạt động linh hoạt, năng động hơn nhờ chủ trương tự chủ trong sản xuất kinh doanh; người lao động với tư cách là cổ đông tham gia một cách tự giác vào các hoạt động, vừa tham gia quản lý DN, vừa phấn đấu hoàn thành công việc nhằm bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài của DN gắn với lợi ích của từng cổ đông. Từ thuận lợi trên, tổ chức Công đoàn được tạo điều kiện và hoạt động có hiệu quả, qua đó Công đoàn thực hiện tốt các chức năng của mình, góp phần đáng kể vào giải quyết vấn đề mà từ trước chưa thể thực hiện được, đó là thực hiện dân chủ hóa kinh tế tại DN với sự tham gia tích cực, thống nhất và đồng thuận của người xây dựng kế hoạch và người thực hiện kế hoạch phát triển DN.

Ông Phạm Ngọc Bách, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết, thực hiện CPH là điều kiện để công ty phát huy được năng lực của tập thể lãnh đạo nói riêng, của đông đảo công nhân, lao động nói chung, góp phần xây dựng công ty lớn mạnh, tổ chức Công đoàn cũng phát huy được thế mạnh của mình khi tổ chức các phong trào thi đua, chăm lo lợi ích người lao động.

Còn ông Trần Xuân Hòe, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt-may 29-3 cho rằng, sau CPH, chính nhờ tự chủ trong sản xuất kinh doanh, công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; các đơn hàng được duy trì và mở rộng, bảo đảm được việc làm thường xuyên cho người lao động. Công đoàn đã có nhiều hoạt động góp phần đáng kể trong quá trình phát triển công ty. Ông Trần Trung, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Bí thư Chi bộ Công ty CP In và Dịch vụ Đà Nẵng; bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty CP Dệt-may 29-3; ông Trần Ngọc Tâm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cũng đánh giá cao hoạt động của tổ chức Công đoàn sau CPH, cho rằng Công đoàn là cầu nối quan trọng giữa người lao động và lãnh đạo DN, có vai trò rất lớn trong việc ổn định và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tạo điều kiện cho sự phát triển của DN trong thời gian qua.

Có thể nói rằng, CPH DNNN là bước đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, khi chúng ta đã và đang hội nhập kinh tế, sẵn sàng thực hiện các lộ trình với tư cách là thành viên chính thức của WTO. Tuy nhiên, không hẳn tất cả các Công đoàn cơ sở ở DN sau CPH đều hoạt động tốt, phát huy được vai trò và chức năng của mình nếu không có những phương thức hoạt động thiết thực, hiệu quả, thể hiện tính cần thiết của tổ chức Công đoàn tại DN, vai trò năng động, sáng tạo của BCH Công đoàn, nhất là phối hợp tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 87/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế thực hiện dân chủ ở công ty CP, công ty TNHH.

Tổ chức Công đoàn phối hợp với lãnh đạo công ty hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng lao động, tiến hành xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, đi sâu vào đời sống công nhân, người lao động, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của họ. Công đoàn kịp thời phát hiện những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; tham gia với người sử dụng lao động đưa ra những giải pháp tích cực giải quyết những mâu thuẫn có thể phát sinh. Trong điều kiện hiện nay, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân, lao động là nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế. Công đoàn có vai trò điều hòa và ổn định quan hệ lao động xã hội, đây là vai trò không một tổ chức nào khác có thể thay thế. Do vậy, cùng với sự phát triển của DN sau CPH, đội ngũ cán bộ Công đoàn cần phải vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ mới. Lãnh đạo các DN sẽ nhìn vào hiệu quả hoạt động Công đoàn để có sự tác động đúng mức.

Bài và ảnh: Đặng Vân

Đọc thêm