Được kỳ vọng như một lực lượng có thể chia sẻ trách nhiệm, giảm tải công việc với hệ thống cơ quan THADS, đồng thời tạo thêm quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án cho người dân nhưng thực tế các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này chưa nhiều khiến các văn phòng TPL không phát huy được hết năng lực và vai trò của mình. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tâm lý chung của người có bản án cần thi hành cho rằng TPL không phải là cơ quan nhà nước, không bảo đảm được việc tổ chức thi hành án. Mặt khác, một số cơ quan, UBND, công an xã, phường, cán bộ, công chức chưa hiểu đầy đủ về TPL nên công tác phối hợp còn hạn chế, không ít trường hợp cán bộ, công chức đã từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL, kéo dài thời gian thực hiện yêu cầu của TPL trong phối hợp thi hành án.
Về hoạt động xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án, ông Chu Xuân Bình, Văn phòng TPL Hoàn Kiếm cho biết năm 2017, Văn phòng chưa có việc về xác minh điều kiện thi hành án và đang thi hành một vụ từ năm 2015 với tài sản là ngôi nhà gần 100m2 có giá trị hơn 80 tỷ. Tháng 5/2017, trong quá trình tiến hành cưỡng chế kê biên ngôi nhà này, Văn phòng đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương, các ban, ngành, đặc biệt là Công an quận, phường, giúp việc cưỡng chế diễn ra thuận lợi.
“Có thể nói, cưỡng chế là biện pháp thể hiện quyền lực nhà nước và là công cụ hữu hiệu để TPL thực thi bản án, quyết định tòa án. Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng có những lo ngại nhất định khi giao quyền này cho TPL là có cơ sở bởi lực lượng này còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên theo quy định pháp luật, quyền của TPL cũng đã bị hạn chế khi không được xử phạt hành chính và sử dụng công cụ hỗ trợ nên cần tiếp tục trao quyền cưỡng chế cho TPL để phát huy tối đa năng lực của mình”, ông Bình chia sẻ thêm.
Trong số các hoạt động thì lập vi bằng vẫn là mảng việc chính của các văn phòng TPL. Văn phòng TPL Hoàn Kiếm cho biết, năm 2016, Văn phòng lập được 315 vi bằng nhưng trong 8 tháng đầu năm 2017, Văn phòng đã lập được 412 vi bằng. Điều này cho thấy người dân đã hiểu về lợi ích và sử dụng rộng rãi hơn dịch vụ này của TPL. Song bên cạnh đó, hầu hết người dân vẫn chưa có thói quen tạo lập chứng cứ, lưu trữ các văn bản, tài liệu trong các giao dịch của mình, khi xảy ra tranh chấp, thiệt hại thì mới tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình.
Quy định của pháp luật cho phép vi bằng được sử dụng trong các quan hệ pháp lý khác, tuy nhiên việc quy định không cụ thể là các quan hệ pháp lý nào, cơ quan nào được phép sử dụng vi bằng, dẫn đến TPL gặp khó khăn, lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng vi bằng, gây tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng.
Còn trong hoạt động tống đạt, bên cạnh một số địa phương đã phối hợp rất tốt, tạo thuận lợi cho các văn phòng TPL thực hiện nhiệm vụ thì vẫn còn một số cán bộ tư pháp xã, phường chưa thực sự phối hợp nhịp nhàng, nhiều cán bộ chưa nắm đầy đủ, chính xác quy định pháp luật, cá biệt có nơi không hợp tác nên gây chậm trễ trong quá trình tống đạt. Ngoài ra, nhiều người dân chống đối, không nhận văn bản tống đạt, thậm chí còn quát nạt, đe dọa nhân viên văn phòng.
Một khó khăn khác khi thực hiện tống đạt được ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình nêu lên là còn nhiều văn bản thiếu thông tin cụ thể về địa chỉ của người được tống đạt hoặc địa chỉ nơi ở biến động mà chưa được cập nhật kịp thời nên đội ngũ thư ký cần xác nhận thông tin từ chính quyền địa phương về các đối tượng đó. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không khai báo tạm trú nên chính quyền địa phương cũng không thể nắm bắt thông tin để cung cấp cho thư ký Văn phòng TPL, dẫn đến việc tống đạt không thành. Đặc thù nhân sự của các văn phòng là không ổn định bởi hầu hết là cử nhân luật nên tâm lý muốn trải nghiệm, không gắn kết lâu dài nên văn phòng thường xuyên phải tuyển mới, sau đó tập huấn, bồi dưỡng thêm cũng là một trong những khó khăn cho các văn phòng TPL.
Có thể nhận thấy, TPL được Nhà nước trao quyền để thực hiện quyền lực nhà nước, hoạt động TPL liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau. Do đó, chỉ khi Quốc hội ban hành Luật TPL mới tạo được hành lang pháp lý chặt chẽ, bảo đảm được sự bình đẳng, hoạt động lâu dài, hiệu quả của các văn phòng, tránh nhiều cách hiểu khác nhau về TPL. Vì vậy trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TPL bằng nhiều hình thức để đông đảo người dân hiểu và tin tưởng sử dụng dịch vụ do TPL thực hiện. Bên cạnh đó, cần ghi nhận chức năng thi hành án của văn phòng TPL vào trong bản án của Tòa án, giúp người dân nắm bắt được, đồng thời nghiên cứu hỗ trợ tài chính cho hoạt động TPL để tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho loại hình dịch vụ tiện ích song vẫn còn nhiều mới mẻ này.