Hoạt động luật sư "ngổn ngang tơ vò" trước DA Luật sửa đổi?

Bên cạnh những bất cập vẫn tồn tại trong pháp luật liên quan tới hoạt động của Luật sư, nhiều Luật sư cảm nhận hoạt động nghề nghiệp của họ đang ngổn ngang “trăm mối tơ vò” khi dự án Luật Luật sư sửa đổi duy trì quy định cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sư. 

Bên cạnh những bất cập vẫn tồn tại trong pháp luật liên quan tới hoạt động của Luật sư, nhiều Luật sư cảm nhận hoạt động nghề nghiệp của họ đang ngổn ngang “trăm mối tơ vò” khi dự án Luật Luật sư sửa đổi duy trì quy định cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sư.  

1
 
Thực tiễn giữa Luật sư và các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) thường không mặn mà với nhau do đặc thù nghề nghiệp: Cùng một đối tượng là bị can, bị cáo thì một bên gỡ tội, còn một bên buộc tội. Tìm kiếm tiếng nói chung giữa Luật sư với cơ quan THTT là điều không dễ.
Vượt qua những xung đột thường tình về quan điểm pháp lý, nhất thiết phải có sự phân định rạch ròi chức năng, quyền hạn, biện pháp chế tài đối với người, cơ quan, tổ chức vi phạm quy định trong hoạt động tư pháp, cải cách , hoàn thiện pháp luật về tố tụng, sớm chấm dứt tình trạng “lấn sân”, cản trở hoạt động của Luật sư từ người, cơ quan THTT.
Nói về quy định pháp luật, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) đầu tiên của chúng ta ra đời năm 1988 đã minh thị: Luật sư được tiếp xúc bị can ngay từ giai đoạn vụ án được khởi tố, được hỏi bị can nếu được Điều tra viên (ĐTV) đồng ý. Khoản 2 Điều 36 BLTTHS năm 1988 được sửa đổi bổ sung ngày 09/6/2000 quy định: Người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can và nếu ĐTV đồng ý thì được hỏi bị can và có mặt trong những giai đoạn điều tra khác. Còn theo điểm a khoản 2 Điều 58 BLTTHS năm 2003 thì: Người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu ĐTV đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác...
Cho tới nay vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cả về quy định pháp luật lẫn thực tiễn hoạt động hành nghề đang diễn ra xung đột pháp lý giữa Luật sư và các cơ quan THTT. Đối chiếu giữa BLTTHS năm 1988 với BLTTHS năm 2003, nghề bào chữa được “nâng cấp”, Luật sư được “coi trọng” hơn: Từ chỗ được hỏi bị can nếu ĐTV đồng ý, thì người bào chữa được hỏi cả người bị tạm giữ, bị can. Người bào chữa được quyền dự cung và hỏi người bị tạm giữ thay vì chỉ được dự cung và hỏi bị can. Tuy nhiên, muốn biến quyền năng theo luật định thành hiện thực, người bào chữa gặp không ít khó khăn: 
Thứ nhất: Người bào chữa muốn hỏi thân chủ (người nhờ Luật sư bào chữa cho họ) phải được sự đồng ý của điều tra viên. Nói khác, phải được phép của ĐTV thì người bào chữa mới được hỏi người bị tạm giữ, bị can.
Thứ hai: Nội dung người bào chữa được hỏi, không được hỏi bị can?.
Thứ ba: Trường hợp ĐTV không đồng ý để Luật sư hỏi người bị tạm giữ, bị can, ĐTV có phải nói rõ lý do vì sao không đồng ý để người bào chữa hỏi người bị tạm giữ, bị can hay không? Có lập biên bản ghi lại việc ĐTV không đồng ý để Luật sư hỏi bị can không?.
Chính vì quy định trong pháp luật tố tụng còn lỏng lẻo, dẫn tới nhận thức chủ quan, tạo tiền đề cho ĐTV từ chối Luật sư hỏi bị can mà không cần cho biết lý do. Gần đây Bộ Công an đơn phương ban hành Thông tư số 70 ngày 10 tháng 10 năm 2011 quy định khá thông thoáng, tạo thuận lợi trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư khi tham gia các vụ án hình sự ngay từ thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can (việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, dự cung bị can, thông báo những quyết định tố tụng cho luật sư).
Có thể nói Thông tư số 70 là tín hiệu lạc quan, nếu được thực thi đúng đắn sẽ trở thành chiếc đũa thần để luật sư hành nghề được thuận lợi, tạo niềm tin đối với thân chủ khi biết Luật sư làm được việc cho họ.
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản, giữa luật và lệ còn có khoảng cách do lâu nay cơ quan  Cảnh sát Điều tra làm theo lối mòn, có thói quen từ chối khéo Luật sư tham gia vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố với một ngàn lẻ một lý do có vẻ hợp lý: Phải có ý kiến của thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, rất tiếc thủ trưởng bận công tác; bản thân ĐTV chưa sắp xếp lịch làm việc với bị can được; bị can đang bị ốm...
Điều này được phản ảnh qua lời phát biểu mới đây của Phó Giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh: Quy định về cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho Luật sư hiện mới là đơn phương của Bộ Công an. Cần nghiên cứu ban hành một Thông tư liên ngành hoặc một quy chế liên ngành về hiệu lực của giấy chứng nhận bào chữa.
Bộ Công an chủ động quy định việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Luật sư mà không thực hiện nghiêm túc thì liệu một văn bản liên ngành có ràng buộc cơ quan Công an thực thi hữu hiệu không?.
Trên đường “phụ tá công lý” chúng ta vấp phải “chông gai” do giữa Luật và lệ còn có khoảng cách. Đã là bình đẳng giữa người THTT (ĐTV, Kiểm sát viên, Thẩm phán) với Luật sư thì hà cớ gì lại quy định “nếu được ĐTV đồng ý”, đã đến lúc xóa bỏ cụm từ “nếu được sự đồng ý của ĐTV” ra khỏi Điều 58 BLTTHS.
Mới đây, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội nêu quan điểm: “Duy trì quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sư trong tố tụng hình sự là cần thiết, đặc biệt là đối với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức, các tội phạm về ma túy...”.
Theo chúng tôi, chỉ nên giữ lại quy định: Cơ quan THTT cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Luật sư một số vụ án đặc biệt như xâm phạm an ninh quốc gia; còn các vụ án khác Luật sư được tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử mà không cần phải có giấy chứng nhận bào chữa.
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền thời hội nhập, những nền tư pháp có được nhìn nhận là cấp tiến, phù hợp xu thế thời đại khi quyền bào chữa của Luật sư được tôn trọng đúng mực. Nguyên tắc: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật là chế định “thiêng liêng” phải được luật hóa trong hoạt động tố tụng của Luật sư. 
Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư  TP.HCM

Đọc thêm