Hoạt động thể thao cần đúng nơi đúng chỗ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đạp xe hay chạy bộ là các hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cần được thực hiện đúng nơi, đúng chỗ chứ không phải trên đường cấm.
Nhiều người đạp xe thể dục trên đường cao tốc. (Nguồn ảnh: phunuvietnam.vn)
Nhiều người đạp xe thể dục trên đường cao tốc. (Nguồn ảnh: phunuvietnam.vn)

Mạng xã hội vừa xuất hiện đoạn video một người đàn ông chạy bộ trên đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng. Đáng chú ý, người này chạy trên mép làn đường dành cho ô tô. Đoạn video được đăng tải cùng với lời bình: “Chạy bộ là một môn thể thao rất tốt, chạy bộ buổi sáng lại càng tốt vì thời tiết mát mẻ. Bản thân tôi cũng chơi môn chạy bộ. Tuy nhiên, chạy bộ dưới lòng đường, ở làn đường cho ô tô với tốc độ ô tô được phép đi tối đa 60km/h thì không tốt. Thể thao để sống khỏe mạnh, đừng để thể thao biến mình thành tàn tật”.

Không chỉ chạy bộ, đi bộ mà nhiều người đi xe đạp cũng lưu thông vào đường cao tốc để tập thể dục. Hồi đầu tháng 10, một đoạn video ghi lại hình ảnh nhóm người đạp xe thể dục vào làn ô tô trên cao tốc gây bức xúc dư luận. Sự việc diễn ra trên đường Võ Nguyên Giáp hướng sân bay Nội Bài. Đây là đoạn đường dành riêng cho ô tô, tốc độ từ 60 - 90km/h, cấm các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy. Đoàn xe đạp này còn đi vào làn tốc độ cao nhất - 90km/h, rất nguy hiểm.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp chọn đường cao tốc và làn đường dành cho ô tô làm lộ trình tập thể dục. Nhiều người giải thích, dù biết có quy định cấm đi bộ, đạp xe trên các tuyến đường trên nhưng vẫn vi phạm vì các tuyến đường này vừa rộng, lại thoáng, sạch sẽ, không có “ổ gà”. Có thể thấy bất chấp biển cấm và nguy cơ tiềm ẩn, các tuyến đường nguy hiểm cũng đã trở thành điểm đến của không ít “tay đua” nghiệp dư hay người chạy bộ không chuyên.

Trên thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn liên quan đến việc đi bộ, chạy bộ, đạp xe trên đường cao tốc và làn đường dành cho ô tô. Đây cũng chính là một trong những tình huống đáng sợ nhất, trở thành nỗi ám ảnh của những người lái xe trên đường cao tốc.

Anh V.Hùng (38 tuổi, Hà Nội), lái xe tải thường xuyên chạy trên các tuyến đường cao tốc Hà Nội cho biết: “Tôi và nhiều anh em cùng nghề đã thấy nhiều cảnh người dân ngang nhiên tập thể dục, đi bộ trên đường cao tốc vào sáng sớm và đều thấy không an toàn. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, không chỉ gây nguy hiểm với chính những người vi phạm mà còn cho người tham gia giao thông khác”.

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2019, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người đạp xe vào đường cấm, đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 - 600.000 đồng. Nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người đi bộ không đi đúng phần đường quy định có thể bị phạt 60.000 - 100.000 đồng. Cũng tại Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Dù đã có chế tài xử phạt nhưng nhiều ý kiến cho rằng mức phạt hành chính này vẫn còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Để có thể ngăn chặn triệt để hơn với các hành vi vi phạm trên, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, rà soát và xem xét tăng mức phạt các trường hợp vi phạm. Còn về phía người vi phạm, đừng khiến các hoạt động vốn để nâng cao sức khoẻ lại trở thành “bộ môn thể thao mạo hiểm” gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đọc thêm