Hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự: Nhiều khởi sắc

(PLVN) - Vụ trưởng Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Bạch Quốc An cho biết, trong 5 năm qua với những đóng góp của Vụ, hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự đã có nhiều khởi sắc, góp phần rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho quá trình xét xử các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật đã đạt được về công tác tương trợ tư pháp về dân sự trong 05 năm vừa qua?

- Thực hiện nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước về TTTP, cơ quan trung ương thực thi các điều ước quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự, trong 05 năm qua, để có thể giải quyết số lượng gần 4.000 yêu cầu TTTP/năm, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực từ hoàn thiện thể chế pháp luật đến tổ chức thực thi để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này. 

Về thể chế trong nước, trước sự cần thiết phải nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam, Bộ Tư pháp đã phối hợp với TANDTC và Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch số 12/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định trình tự thủ tục TTTP về dân sự (Thông tư 12), thay thế cho Thông tư liên tịch số 15/ TTLT-BTP-BNG-TANDTC. Thông tư 12 với các quy định cụ thể hơn, phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới ký kết, gia nhập đã hỗ trợ một cách tích cực và tạo thuận lợi cho các tòa án khi lập hồ sơ yêu cầu TTTP cũng như thực hiện các yêu cầu của nước ngoài.

Về cơ sở pháp lý quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế đã đề xuất gia nhập 02 điều ước quốc tế đa phương được coi là công cụ pháp lý đồng hành hỗ trợ hữu hiệu hoạt động TTTP quốc tế - Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Thông qua việc gia nhập 2 Công ước này, 2 nội dung chủ yếu trong công tác TTTP về dân sự là tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ đã có cơ sở pháp lý quốc tế để yêu cầu với gần 80 quốc gia trong đó có các nước mà Việt Nam có nhu cầu TTTP cao như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Nếu trước khi gia nhập Công ước tống đạt việc tống đạt giấy tờ được thực hiện thông qua kênh ngoại giao không có hoặc chậm có kết quả trả lời khiến nhiều vụ việc dân sự không có căn cứ giải quyết, tòa án phải tạm đình chỉ, thì sau khi gia nhập Công ước này, 80% có phản hồi với thời gian thực hiện nhanh hơn từ 3-4 tháng. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thiết lập đầu mối liên hệ với cơ quan trung ương thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập để trực tiếp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoặc xử lý vướng mắc đối với các yêu cầu TTTP cụ thể. Công tác tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ về TTTP được Bộ Tư pháp thực hiện một cách bài bản bằng nhiều hình thức.

Có thể nói, trong 5 năm qua, với những đóng góp của Vụ Pháp luật quốc tế, hoạt động TTTP về dân sự đã có nhiều khởi sắc góp phần rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho quá trình xét xử các vụ việc có yếu tố nước ngoài, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, vai trò của Việt Nam trong hợp tác nước ngoài về TTTP được nâng cao khi tích cực tham gia và thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này.

Để phát huy được những kết quả này, theo ông, Bộ, ngành Tư pháp cần đề ra những trọng tâm nào trong công tác TTTP về dân sự? 

- Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong 5 năm qua, cũng phải thẳng thắn thừa nhận hoạt động TTTP vẫn gặp nhiều khó khăn, kết quả thực hiện TTTP vẫn còn những tồn tại như còn một số lượng nhất định những trường hợp việc thực hiện kéo dài hoặc không có kết quả thực hiện, không đáp ứng được yêu cầu tố tụng. Hệ quả là công lý trong các trường hợp này không được đảm bảo, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, các trọng tâm trong công tác TTTP về dân sự sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng Luật TTTP về dân sự theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất cho công tác này; Tiếp tục ký kết các điều ước quốc tế với các quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống và học tập theo tinh thần của Nghị quyết 49/NQ-TW.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát tình hình thực hiện các yêu cầu TTTP, tổ chức thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cụ thể là Công ước tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ; từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ; Nâng cao vai trò của cơ quan trung ương, cụ thể là Vụ Pháp luật quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TTTP và đầu tư, phát triển tốt hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TTTP.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm