Học cách đối phó với thảm họa

Năm nào cũng vậy, hàng triệu người trên thế giới hốt hoảng  khi nhìn thấy hình ảnh phát đi từ các phương tiện truyền thông về những trận siêu cuồng phong, động đất, sóng thần, núi lửa. Sự tàn phá khủng khiếp của thảm họa thiên nhiên luôn để lại những thiệt hại vô cùng lớn về người, về của mà đến hàng chục năm sau chưa hẳn đã khắc phục hết.

Năm nào cũng vậy, hàng triệu người trên thế giới hốt hoảng  khi nhìn thấy hình ảnh phát đi từ các phương tiện truyền thông về những trận siêu cuồng phong, động đất, sóng thần, núi lửa. Sự tàn phá khủng khiếp của thảm họa thiên nhiên luôn để lại những thiệt hại vô cùng lớn về người, về của mà đến hàng chục năm sau chưa hẳn đã khắc phục hết.

Trong vài ba năm trở lại đây, thế giới liên tục chứng kiến những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng như động đất ở Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, sóng thần ở Thái Lan, cháy rừng dữ dội ở Úc, cuồng phong Katrina ở Mỹ, hay mới đây nhất là động đất ở Haiti, Chilê đã cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người. Người chết có khi mất xác, còn người sống sót cũng phải lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất. Trước một thảm họa bất ngờ, con người theo bản năng luôn tìm đường trốn thoát để tồn tại và một phần thiếu hiểu biết đã vô tình giẫm đạp lên nhau dẫn đến số tử vong càng nhiều thêm, tai họa trở nên nặng nề hơn.

Đứng trước một thảm họa thiên nhiên, bình tĩnh, không hốt hoảng là điều mà con người cần nghĩ tới. Một lớp học dành cho các giáo viên và các bác sĩ tại các bệnh viện lần đầu tiên được một tổ chức quốc tế triển khai tại Bệnh viện Đà Nẵng mới đây chính là một minh chứng cho sự chủ động ấy. Để đối phó với thảm họa, cách tốt nhất là cần hiểu được thảm họa là gì, mức độ tàn phá, cách sơ cứu cho nạn nhân, chuẩn bị tâm lý từ những biến cố xảy ra sau thảm họa, đó là những bài học được truyền đạt cụ thể tại lớp học này. Bởi con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên, nhưng con người có thể ẩn mình để không bị thiên nhiên đe dọa, cướp đi sinh mạng là điều hoàn toàn có thể.

 Việc chọn bác sĩ và giáo viên để truyền đạt kiến thức đề phòng thảm họa cũng có nhiều điều để nói. Bởi với những thảm họa xảy ra cho thấy, trường học và bệnh viện là những nơi dễ bị tổn thương nhất. Học sinh và bệnh nhân luôn là đối tượng chiếm số đông lại khu trú tại một nơi cố định. Do vậy, nếu người thầy giáo và ngay cả những bác sĩ không hiểu biết sẽ rất khó khăn để có thể tự giải cứu học sinh và bệnh nhân của mình khi tai họa xảy ra đột ngột.

Có thể thấy, những cơn bão lớn quét qua miền Trung những năm vừa qua là một cảnh báo nguy hiểm về sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực của thời tiết. Thiên tai ngày càng xảy ra với mức độ dày hơn và cường độ mạnh hơn so với nhiều năm trước. Trong cuộc sống, người dân Việt Nam thường có câu “người tính không bằng trời tính”, nhưng cũng có câu “nhân định thắng thiên”. Một lớp học tuy ngắn ngủi và nội dung truyền đạt chưa nhiều nhưng lại có ý nghĩa lớn để cho toàn xã hội hiểu đúng, hiểu đủ về những gì thiên nhiên gây ra, từ đó có cách ứng xử phù hợp với môi trường. Tự bảo vệ lẫn nhau một khi thiên nhiên phẫn nộ cũng là điều nên được nhân rộng và phổ biến không chỉ giới hạn cho giáo viên và những cán bộ y tế. 

VIỆT DŨNG

Đọc thêm