Học cách yêu đời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cho đến nay, dẫu biết bao mất mát, tổn thương đã xảy ra do đại dịch, nhưng có một điều không thể phủ nhận, rằng cạnh những điều quý giá đã mất đi, con người cũng đã học được nhiều bài học lớn sau những trận đại dịch sinh tử.

Nguyễn My An là nhân viên tại một công ty phần mềm máy tính. Trước dịch, An có mức lương hơn 20 triệu đồng/ tháng. Thời gian làm việc của An là hơn 10 tiếng một ngày, tính cả thời gian làm việc nơi công sở và công việc làm thêm tại nhà. Dự định của An là sẽ kiếm thật nhiều tiền tích lũy, nỗ lực lên chức, thành đạt. Gia đình không khó khăn, nhà cửa đã ổn định ở Sài Gòn, những nỗ lực của My An không liên quan đến kinh tế mà là do lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn khẳng định bản thân. Mục tiêu đặt ra khiến My An gần như “bán mình” cho công việc. Cô ít có thời gian cho những cuộc vui với bạn bè. Mỗi năm, My An có 2 lần về quê thăm cha mẹ, một lần vào dịp lễ và một lần vào dịp Tết. Cô không có mấy thời gian chăm sóc bản thân, những bữa ăn cũng trôi qua vội vã, nhai vội và nuốt vội cho xong bữa để còn tiếp tục công việc.

Và đại dịch đến. Như bao người trẻ khác, My An phải nhốt mình trong nhà suốt thời gian giãn cách. Ở quê, cha mẹ cô lần lượt nhiễm COVID-19. Trong suốt những ngày chỉ ở trong nhà như thế, My An có đủ thời gian để có thể tập trung hoàn toàn cho công việc, nỗ lực hết mình như cô từng mong muốn. Nhưng ngược lại, cô gái trẻ không còn tâm trí nào để làm việc hay phấn đấu nữa. Tràn ngập trong cô là nhiều nỗi hối tiếc. Hối tiếc vì không dành nhiều thời gian hơn để gặp và chăm sóc cho cha mẹ. Sợ hãi vì dịch bệnh có thể cướp cha mẹ cô khỏi đời sống này bất cứ lúc nào. Hối tiếc vì mình đã dành quá ít thời gian để tận hưởng cuộc sống của một người trẻ với những cuộc gặp gỡ, kết bạn, với những chuyến đi có thể khiến mình vui vẻ và mở mang thêm tầm mắt. COVID-19 khiến My An thấy rằng, dường như tiền nhiều và sự thành đạt trong công việc sẽ không giúp gì cho cô, một khi có những biến cố lớn lao của xã hội ập đến.

May mắn là cha mẹ My An đã bình phục trở lại. Sau dịch, cô đã nộp đơn xin nghỉ việc để xin việc ở một công ty có thời gian làm việc ít “nghẹt thở” hơn, môi trường ít áp lực và cạnh tranh gay gắt hơn. Cứ vài cuối tuần một lần, My An về quê thăm cha mẹ hoặc đón cha mẹ lên thành phố để đưa hai cụ đi chơi đây đó. Cô mở rộng mối quan hệ, giành nhiều thời gian cho những người bạn cũ - mới, những cuộc vui chơi lành mạnh và đúng với tuổi trẻ của mình. My An cũng dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân, tận hưởng trọn vẹn những giây phút thú vị của cuộc sống.

Có rất nhiều người trẻ như My An, thay đổi suy nghĩ, quan niệm sống sau đại dịch. Có người bỏ công việc nhiều tiền để làm đúng công việc sở trường mà mình yêu thích. Có người dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho người thân của mình. Có người biết yêu quý, trân trọng chính bản thân mình hơn.

Cũng có những bạn trẻ, trước kia sống đơn giản, thiếu nhiều kĩ năng sống. Trong những ngày tháng giãn cách đầy hoang mang do đại dịch, họ học được cách tự nấu những bữa ăn ngon lành, dinh dưỡng, học cách ăn chậm và ăn ngon, cách chăm sóc, vun vén nhà cửa, cách trồng cây, chăm hoa, tự tạo những niềm vui nhỏ cho mình. Học cách bày tỏ tình cảm với người nhà, kết nối với người thân.

Nhiều người thì học cách sống chậm hơn, bỏ đi những cuộc vui phù phiếm khi nhận ra rằng, sống ào ào, sống ầm ĩ, lao mình vào những cuộc vui cũng không giúp tâm hồn họ lấp đầy những khoảng trống. Họ nhận ra được giá trị thực sự của cuộc sống, sau một trận đại dịch kinh hoàng.

Đại dịch đã gây ra nhiều vết thương tâm hồn và thể xác. Có những người vĩnh viễn mất đi người thân yêu. Có những bàn tay ngỡ nắm chặt cả đời, mà đành chia lìa trong đau đớn. Có những người, tổn thương do những hoảng sợ, lo âu, bất an gây ra trong thời gian dịch bệnh, xa cách con người gây ra, đến giờ vẫn còn là một nỗi ám ảnh. Có những suy yếu về thể chất do di chứng hậu COVID-19 đến nay vẫn chưa phục hồi được...

Nhưng rồi cuộc sống vẫn vận hành, vẫn đi về phía trước. Với nhiều người, nhất là những người trẻ, đại dịch là một cơn đau, một vấp ngã. Đã làm người, ai cũng cần trải qua vấp ngã và tổn thương, một lần “lột xác” để trưởng thành. Dẫu bất đắc dĩ, dẫu không hề mong muốn, nhưng có lẽ, cách tốt nhất vẫn là chấp nhận những đau thương và tổn thương ấy như một phần cuộc sống, để mà lớn lên.

Giờ đây, những người trẻ lại lao vào cuộc sống với lửa nhiệt huyết hừng hực. Họ lại nỗ lực, lại phấn đấu để xây dựng sự nghiệp cho bản thân, góp phần phục hồi cuộc sống. Những mối tình son trẻ lại tươi vui, như chưa từng có những khoảng cách hay đớn đau vì dịch bệnh. Phố phường lại đông đúc, tấp nập. Sức trẻ bùng lên ở mọi góc phố, nẻo đường, nơi công sở hay những điểm vui chơi về đêm.

Hậu đại dịch, mỗi một người, bằng cách riêng của mình, học cách đứng dậy, đi về phía trước, xoa dịu vết thương, xây đắp cuộc đời mình. Cuộc tái sinh nào chẳng mang nhiều đớn đau cùng hy vọng.

Sâu thẳm trong lòng thành phố, mọi thứ đã khác xưa rồi.

Đọc thêm