Học để… "làm bố đích thực"

Trước nay, việc làm bố của những người đàn ông trong gia đình thường tự nhiên như nó vốn thế, có hay có dở, có sai có đúng, miễn sao con cái lớn khôn. Nhưng giờ đây khi mọi khái niệm đã được nhìn ở mức độ cao hơn, yêu cầu cao hơn thì muốn làm bố tốt cũng phải học.
Trước nay, việc làm bố của những người đàn ông trong gia đình thường tự nhiên như nó vốn thế, có hay có dở, có sai có đúng, miễn sao con cái lớn khôn. Nhưng giờ đây khi mọi khái niệm đã được nhìn ở mức độ cao hơn, yêu cầu cao hơn thì muốn làm bố tốt cũng phải học.
Tại sao phải học làm bố? 
Lúc vợ đang mang bầu đứa con đầu lòng, khi được người bạn rủ đi tham gia khóa học làm bố, anh Nguyễn Minh Tân (ở phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình) nhìn bạn đầy ngạc nhiên rồi cười ồ: “Đầu óc có bị sao không đấy, làm bố mà cũng phải học sao?”.
Câu chuyện đó bị bẵng quên đi cho đến gần đây, khi vợ anh sinh con, sự lúng túng của hai vợ chồng trẻ trong chuyện chăm con, rồi mâu thuẫn với ông bà nội về cách phương pháp chăm sóc cổ điển hay hiện đại… đã khiến cho anh nhớ lại lời mời của người bạn ngày xưa và tặc lưỡi: “Giá như mình đi học…”.
Lớp học làm bố ở BV Phụ sản Hà Nội
Là chương trình nằm trong Dự án “Khuyến khích sự tham gia của nam giới trong PCBLGĐ” do Đại sứ quán Thụy Điện tài trợ và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) thực hiện, “Những ông bố đích thực” được tổ chức thông qua các buổi sinh hoạt vào sáng thứ bảy hàng tuần tại hai địa điểm Bệnh viện Đa khoa Huyện Tân Lạc – tỉnh Hòa Bình và Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại Hà Nội kéo dài từ năm 2010-2013 với mục tiêu: Giúp những người đàn ông thấy được vai trò của người cha đối với con cái họ; Chuẩn bị tinh thần cho người cha chào đón sự ra đời của con mình; Tăng sự hiểu biết giữa nam giới và nữ giới, do đó tăng cường mối quan hệ vợ chồng; Truyền cảm hứng cho các ông bố để chia sẻ cảm giác làm cha; Tăng sự hiện diện của người cha xung quanh con mình…
Có nhiều ông bố khi đến sinh hoạt cùng chương trình cầm trên tay những tờ rơi kiến thức về sinh sản còn ngượng nói gì đến việc san sẻ, chăm sóc vợ khi vợ mang bầu. Họ thật thà chia sẻ: “Đàn bà đẻ vía nặng lắm, mình không nên đến gần”.
Thế nhưng, khi được hướng dẫn, cởi mở trao đổi, lắng nghe những người đàn ông cùng cảnh xung quanh, suy nghĩ của họ đã thay đổi. “Chương trình đã đưa ra nhiều câu hỏi tuy đơn giản nhưng lại cực kỳ có ý nghĩa. Ví dụ câu hỏi: Bạn hãy về hỏi vợ mình rằng cô ấy mong muốn mình sẽ trở thành người chồng, người cha như thế nào?. Trước đây chúng tôi chưa hỏi nhau câu này bao giờ.
Hôm nay tôi đã hỏi vợ tôi và tôi đã biết mình đang ở vị trí nào, mình đã làm được những gì và chưa làm được những gì. Vợ tôi mong muốn rất nhiều điều và tôi sẽ cố gắng để đạt được những điều đó” – anh Hùng ở thành phố Hòa Bình chia sẻ.
Nhận thức được tầm quan trọng của bình đẳng giới trong gia đình, anh Mai Anh Tuấn, HN tâm sự: “Đôi khi thấy vợ tôi cáu gắt vô lý tôi cũng bực mình lắm. Nhưng tôi nghĩ rằng việc vợ tôi mang bầu đã là sự vất vả gấp đôi tôi rồi mà lại phải làm việc nhà nữa, chính vì vậy dù có bực mình thì tôi cũng biết rằng vợ chồng nên hiểu, cảm thông và chia sẻ cho nhau”…
Hóa giải mâu thuẫn và biết yêu bố mình hơn
Trong mười cặp vợ chồng trẻ thì có đến chín cặp khi sinh con đầu lòng “xung đột” với ông bà nội ngoại trong chuyện nuôi con. Anh Tân nhắc đến ở đầu bài cũng vậy. Mẹ anh nhất quyết không cho phép vợ chồng anh đóng bỉm cho con vì sợ cháu hăm, cong chân và “mẹ nó sẽ lười, ham ngủ vì không phải dậy thay tã”.
Ngày nắng ấm, vợ anh bế con ra sân chơi tắm nắng, mẹ anh lôi tuột con dâu và cháu vào mắng sa sả: “Trẻ con dưới một tuổi chỉ được ở trong nhà không đi đâu cả, ra đường nhẹ vía ma bắt”… Chứng kiến sự giận dỗi của mẹ rồi nước mắt của vợ, anh Tân ước ao phải cho mình có kiến thức để có thể “cầm trịch” trong những cuộc tranh cãi kiểu này.
Tham gia lớp học của Chương trình “Những ông bố đích thực” tổ chức tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, anh Nguyễn Trọng Hoàng cho biết, khi ở nhà anh ít có cơ hội nói chuyện với vợ về việc nuôi con vì vợ và mẹ muốn nuôi con theo cách riêng mà ít chú trọng đến tính khoa học. Đến đây, qua trao đổi với những người đều là những ông bố tương lai, anh đã biết rằng nuôi dạy con ngày nay không được bó hẹp theo cách riêng của gia đình mà cần chú trọng đến phương pháp theo khoa học hiện đại, đặc biệt cách nuôi dạy con kiểu nước ngoài khá thú vị.
Đặc biệt hơn còn có lời tâm sự đầy cảm động của anh Trần Đăng Nam, HN khi anh thật lòng nói lên ý nghĩ của mình: “Qua hoạt động này tôi chợt nhận ra một điều rằng tôi vốn là người có tính tự lập cao, bởi nhờ cha tôi là người có vị trí cao trong xã hội, ông hoàn toàn có thể giúp tôi có một vị trí tốt hơn lúc này, nhưng từ nhỏ ông đã để tôi phải chịu trách nhiệm với những việc làm của mình.
Qua hoạt động chia sẻ này tôi chợt nhận ra, chính bố tôi ngày trước cũng được ông tôi giáo dục đúng kiểu như vậy. Đúng là sự giáo dục của người bố ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Tôi cũng đang có xu hướng giáo dục con theo kiểu đó. Tôi nghĩ qua buổi hôm nay tôi sẽ có sự điều chỉnh sao cho phù hợp hơn để con tôi có thể chắt lọc những giá trị từ gia đình tôi và loại trừ hạn chế từ tôi”. Hiểu bố hơn, biết ơn bố hơn - đó là những gì mà người nghe cảm nhận từ câu chuyện của anh Nam.
Hà An

Đọc thêm