Nhiều “chiến sĩ” lần đầu tiên giặt quần áo, khi phơi lên vẫn còn đầy xà phòng. Lần đầu tiên ăn cơm xong phải rửa chén. Tối ngủ phải tự mắc mùng. Giặt 2 bộ quần áo đã thấy mệt bở hơi tai. Nhưng trong bức thư gửi về cho ba mẹ lại khoe: “Việc nhà con biết làm hết rồi!”.
Sống trong môi trường khắt khe và kỷ luật của quân đội đã khiến các em chuyển từ lạ lẫm đến bức bối, thậm chí giận hờn. Nhưng 15 ngày tham gia Học kỳ quân đội ngắn ngủi trôi qua giúp những cậu ấm, cô chiêu tự lập và rắn rỏi hơn rất nhiều.
Giã từ “nệm ấm, chăn êm”
|
|||
Tập nhổ cỏ. |
Hai ngày đầu mới “nhập ngũ”, chiến sĩ (CS) Nguyễn Mỹ Duyên (SN 1993, ở Hà Nội) đã phải ăn chay vì “Đồ ăn nấu cay quá, em ăn không được”. Còn tân binh Ngô Triệu Nguyên (SN 1993) đổ mồ hôi hột vì phải đi… dọn vệ sinh. Đêm đầu tiên, nhiều CS không ngủ được. Sáng ra, vừa gặp nhau các CS đã xôn xao chuyện “cái giường thì cứng ngắc”, “phòng nóng quá vì… ít quạt”... Nhiều “tiểu thư” còn cầm tay nhau xuýt xoa xem có vết muỗi cắn nào không. Đến buổi tập, một số tân binh không chịu được nắng đã bị cảm, sốt, phải ở nhà dưỡng bệnh.
Không ít CS cứ đến bữa sáng chỉ ngồi xuống ăn qua loa, rồi tranh thủ về phòng uống... sữa! Nhiều CS còn bứt rứt vì không được chơi game, không được nhắn tin cho bạn bè... Thậm chí, có tân binh trong những ngày đầu còn ấm ức: “Em đâu biết mình tham gia vào chương trình này. Đến ngày thấy ba mẹ chở đi thử quân phục mới biết. Bạn em bảo vào đây như đi “tù””.
Nhưng mọi băn khoăn, lạ lẫm đã biến mất trong ngày thứ ba, khi người chỉ huy giải thích cho các CS những điều kiện bắt buộc của quân đội. Các CS chợt hiểu ra và chấp nhận những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ lóng ngóng tập làm quen những công việc như tự giặt quần áo, quét dọn phòng, khó nhất là tập gấp chăn màn “vuông như hộp diêm”, rồi những hoạt động tăng gia sản xuất như nhổ cỏ, trồng rau, quét dọn sân vườn..., những việc mà chỉ hai ngày trước họ chưa từng nhúng tay.
Đi thu hoạch mùa màng
Trong hai ngày 12, 13-7, 46 học viên tạm thời chia tay E971 để lên Hòa Bắc và lần đầu tiên đi thu hoạch mùa màng cùng người dân. Hôm đầu, giữa cái nắng chang chang, các CS cặm cụi hái từng quả ớt. Có người lẩm bẩm: “Ra chợ mua cái rẹt là có liền. Ai ngờ để có ớt cho mình mua, người ta phải đi hái cực khổ thế này”. Sau khi thu hoạch ớt, các CS còn phải đi thu gom củi, phát quang bụi rậm. Nhiều CS không biết làm sao cầm rựa chặt cho đứt cây, khiến các anh trong Ban chỉ đạo chương trình Học kỳ trong quân đội và các Tiểu đội trưởng vừa hướng dẫn vừa lo nơm nớp.
Sau một ngày làm việc vất vả, các CS ra sân đá bóng cùng các em thiếu nhi trong thôn Giàn Bí, tối đến lại tụ tập ca hát. Cuộc sống dân dã ở vùng xa cứ tưởng sẽ khiến các em chán, nhưng ngược lại, nhiều CS vui không thể tả vì lần đầu tiên được làm quen với môi trường thiên nhiên hoang dã; được hành quân trong rừng, học cách mắc võng, nhận biết thảo dược, xử lý tai nạn, tìm đường ra khỏi rừng nếu bị lạc... Hơn thế, lần đầu tiên họ được nhìn thấy nhà Gươl, được nghe tiếng nói của người Cơtu và được thấy các em nhỏ ở đây thiệt thòi hơn mình rất nhiều.
Trưởng thành từ Học kỳ trong quân đội
Chương trình Học kỳ trong quân đội do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp cùng E971 tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng. Trong 15 ngày tham gia chương trình, các em được tham gia và rèn luyện nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa: huấn luyện thể lực; kỹ thuật quân sự; điều lệnh nội vụ; sơ cấp cứu; sinh hoạt tập thể; kỹ năng sinh hoạt trại; hành quân trong rừng tại xã Hòa Bắc. Thời gian còn lại dành cho việc tập huấn các kỹ năng mềm và hoạt động xã hội. |
Những ngày trong “quân ngũ” đã huấn luyện các cậu ấm, cô chiêu trở thành người CS thực thụ: Biết thế nào là tình đồng đội, sự cảm thông, chia sẻ; biết an ủi, giúp đỡ người khác, giảm bớt được lối sống ích kỷ trước đây. Giữa cái nắng chang chang, trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ trưa thì hai tân binh Châu Nhật Khánh Hòa (SN 1995) và Ngô Thị Nguyên (SN 1993) lại cùng nhau hì hụi giặt áo quần cho một đồng đội trong phòng bị ốm. Trong chậu chỉ có 2 bộ đồ cỏn con, nhưng Nguyên phải vất vả lắm mới giặt sạch. Đến lúc vắt lại phải nhờ cô bạn giúp một tay. Nguyên bảo: “Ở nhà em chưa bao giờ phải làm những việc này, nhưng bây giờ không giặt dùm thì bạn ấy không có đồ để thay”. Còn nhớ, hôm gia đình “tiếp tế” cho Khánh Hòa đồ ăn, cô đã háo hức đem chia cho các bạn ở những phòng khác.
Gặp lại Mỹ Duyên trong buổi gặp mặt gia đình vào tối 10-7, trông cô bé có vẻ rắn rỏi hơn, da có xạm đen hơn, nhưng Duyên cười nhiều và đã bớt được vẻ xa cách như mấy ngày đầu. Triều Anh đã không còn thu mình lại và thấy cô đơn nữa, vì bây giờ Anh đã là niềm tự hào của cả tiểu đội về năng khiếu thể thao vượt trội của mình. Anh tâm sự: “Lần đầu xa ba mẹ, em thấy nhớ nhà và thương ba mẹ nhiều hơn. Em cũng thấy giận vì mọi người không thương mình như ba mẹ. Sau đó em hiểu ra mọi người đang tập cho mình sống tự lập. Em học được cách chia sẻ, chăm sóc bạn nữa”.
Còn Trương Nguyễn Ngọc Diệp hồ hởi khoe: “Em thấy tự tin hơn rất nhiều. Mấy năm trước đi học, em chưa bao giờ tham gia tập văn nghệ với lớp, cũng không tự tin vào giọng hát của mình. Nhưng bây giờ mỗi lần Tiểu đội tập văn nghệ em đều tham gia rồi động viên và thuyết phục các bạn khác tập cùng”.
Với các bậc phụ huynh, việc con mình tham gia chương trình này khiến họ rất hài lòng và công nhận: “Cháu có bước trưởng thành rõ rệt” như lời chị Nguyễn Thị Ngọc Lan - phụ huynh CS Hà Minh Quân. Chị vui vẻ khoe: “Chưa biết cháu sẽ thay đổi như thế nào trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng hôm gặp mặt đã thấy cháu tự tin hơn nhiều”. Còn phụ huynh em Lê Đoàn Minh Đức kể: “Lá thư cháu gửi về nhà cũng là lá thư đầu tiên cháu viết cho ba mẹ. Cháu kể lần đầu tiên cháu giặt đồ vẫn còn xà phòng, nhưng những lần sau sẽ cố gắng giặt sạch hơn. Tôi đọc thư rất cảm động vì cháu biết tự làm những công việc trong sinh hoạt hằng ngày”.
KHÁNH HÒA