"Ấn tượng theo suốt cuộc đời không ít người thời đi học không phải là tình thầy trò cao đẹp mà lại là ứng xử, hình phạt "lạ" của các giáo viên"..., là kết quả khảo sát mới đây của các nhà giáo dục tại ĐH Sư phạm Đồng Tháp và ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo khảo sát của Thạc sĩ Huỳnh Mộng Tuyền, ĐH Sư phạm Đồng Tháp, trên 280 sinh viên các khoa Văn, Sử, Vật lý… về việc kể lại cách ứng xử của giáo viên khiến cho các bạn có ấn tượng tốt hoặc xấu: có đến 41% sinh viên cho rằng họ có những ấn tượng xấu về thầy cô giáo vì những hình phạt “không giống ai”.
Cụ thể, nhiều sinh viên cho biết, trong thời học phổ thông, giáo viên đã phân biệt đối xử với học sinh. Có sinh viên kể lại thời phổ thông: “Em tặng cô cục xà bông, cô thờ ơ; bạn tặng cô tấm vải, cô niềm nở”…
|
Mối quan hệ thầy trò luôn ấm áp khi giáo dục xuất phát từ tình yêu thương. Ảnh: Như Ý |
Có giáo viên còn có những hình phạt “độc” khi yêu cầu học sinh không thuộc bài đứng trên bục giảng tự tát vào mặt 20 lần và nói 20 lần “ngu như bò”; yêu cầu học sinh phía dưới dùng thun bắn vào bạn không thuộc bài; bắt học sinh bò vòng vòng trong lớp… Chưa hết, khi học sinh nói chuyện trong giờ học thì bắt đeo bảng cây sau lưng với dòng chữ: “em hứa không nói chuyện trong giờ học”, hoặc “tôi là người nhiều chuyện” đi khắp trường...
Thạc sĩ Tuyền cho biết, một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay do bất lực trong phương pháp giáo dục học trò nên chỉ biết cậy nhờ vào sức mạnh của kỷ luật, quyền lực và bạo lực làm cho học trò của mình phải sửa sai trong xấu hổ, nhục nhã thay vì cảm hóa thuyết phục các em nhận ra lỗi lầm. Điều này làm tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần của các em.
Mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng khảo sát trên 600 học sinh THPT chuyên Quảng Bình về mối quan hệ thầy trò, trong đó có hơn 14% học sinh cho biết có quan hệ không tốt với thầy cô, bởi vì thầy cô có tính: bảo thủ, độc đoán, khó tính, thiên vị, quá nghiêm khắc, thiếu công bằng, thù vặt, không tôn trọng cá nhân, áp đặt suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của học sinh…
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng tuy những khảo sát trên chưa tiến hành trên diện rộng nhưng cũng phần nào phản ánh chân thực tình hình giáo dục trong nhà trường hiện nay và là hồi chuông cảnh báo đối với các giáo viên đang bất lực trong phương pháp giáo dục. Nhất là khi dư luận còn chưa hết xôn xao vì vụ một giáo viên ở TP HCM phạt học sinh “thụt dầu” đến mức phải nhập viện và bị buộc thôi việc.
Theo Đất việt