Không chỉ những học sinh có năng lực kém, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn cũng ở nhà kiếm tiền phụ giúp gia đình sau Tết. Nhiều giáo viên phải đến tận nhà để hỏi han và động viên học trò đến lớp. Các trường ở Quảng Ngãi đã giảng dạy trở lại bình thường hơn một tuần, nhưng đến hôm 15/2, tại 6 huyện miền núi trong tỉnh: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Sơn Tây, Trà Bồng và Tây Trà vẫn có hàng trăm học sinh chưa đến lớp. Số em rải đều từ bậc tiểu học đến trung học. Kết quả này được ghi nhận trong bảng kiểm tra tình hình học sinh đến lớp sau kỳ nghỉ Tết Tân Mão của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi. Chánh văn phòng Sở Nguyễn Ngọc Tựu cho biết: "Tại 6 huyện miền núi, nhiều lớp học chỉ đạt khoảng 85% sĩ số, lớp cao nhất cũng chỉ 95%. Căn cứ vào tỉ lệ này thì vẫn còn hàng trăm học sinh từ bậc tiểu học đến THPT vắng mặt".
Lý do mà ông Tựu đưa ra là ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đang vào mùa thu hoạch đót trên rừng (cây đót dùng làm chổi quét nhà) nên các học sinh phải ở nhà phụ giúp gia đình cải thiện thu nhập; một số khác có thể còn ham chơi kéo dài sau tết. Theo ông, ít nhất đến hết rằm tháng Giêng, số học sinh đến lớp ở các địa phương miền núi mới đông đủ trở lại. Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định Trần Văn Quý cũng cho hay: "Kết thúc học kỳ 1 năm học 2010-2011, các trường học trên địa bàn tỉnh báo cáo có hơn 2.000 học sinh phổ thông bỏ học. Trong đó, bỏ học nhiều nhất là bậc THPT với hơn 1.400 học sinh". Theo ông Quý, lý do của việc này cũng không nằm ngoài tình cảnh chung: học lực kém hoặc hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Tương tự, các lớp học ở các tỉnh miền Tây cũng rơi vào cảnh học sinh vắng mặt. Nhiều em xin nghỉ học vì lý do kinh tế khó khăn. Nhiều giáo viên phải chạy đôn chạy đáo đến nhà học sinh để vận động các em trở lại lớp. Nhưng mọi lời thuyết phục đều bất thành vì đa số các em... bận theo cha mẹ làm thuê kiếm sống. Tại Cà Mau, không chỉ học sinh trường vùng sâu như THPT Viên An ở huyện Ngọc Hiển mà tại trung tâm thành phố cũng xin rút hồ sơ. Sau Tết Tân Mão, 240 học sinh của trường THPT Cà Mau nghỉ học ở nhà kiếm tiền. Tình hình ở trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cũng có hơn 30 đơn xin rút học bạ. Hiệu trưởng Phạm Thị Cẩm Tú cho biết: "Các thầy cô chủ nhiệm báo cáo rằng, các em nghỉ học để lên TP HCM làm công nhân và phải chờ thời gian để biết các em sẽ đi làm luôn hay quay lại học tiếp. Hiện nhà trường đang cử giáo viên đến từng nhà để động viên gia đình cho các em trở lại lớp". Thậm chí, có phụ huynh còn nói thẳng với thầy cô giáo đến nhà khuyên cho con đi học rằng, nếu cho gạo ăn hàng ngày thì mới cho con đi học, còn không thì tụi nhỏ phải bỏ xứ đi làm thuê, đến mùa lúa sau sẽ về lớp. Không chỉ học sinh cấp 2, cấp 3 có sức khỏe tốt bỏ học đi làm thuê mà ngay cả các em ở bậc tiểu học ở tuổi mới lên mười cũng bỏ học theo bố mẹ đi làm thuê. Ông Nguyễn Văn Vốn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tú Điềm ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chia sẻ: "Vùng quê nghèo Tú Điềm đang vào mùa hạn, nước mặn bắt đầu xâm nhập nội đồng nên những gia đình nghèo không có đất sản xuất, buộc phải đổ xô đi làm thuê khắp nơi. Phụ huynh dẫn theo cả con nhỏ đi làm".
Theo Trí Tín - Thiên Phước
VnExpress
VnExpress