Học sống chung với bão lũ

(PLVN) - Trước sự tác động mạnh mẽ của bão lũ đến sức khỏe người dân, việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng là yếu tố quyết định để triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó. Điều này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho các khu vực bị thiên tai tấn công.
Lũ lụt mang theo rác, chất thải,… cùng với ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. (Ảnh chụp Hà Nội ngày 12/9/2024 - Nguồn: Lekima Hùng)

Nhiều nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Hai tuần kể từ khi cơn bão số 3 (bão Yagi) xuất hiện và tàn phá các tỉnh miền Bắc, các từ khoá về cơn bão lịch sử vẫn được nhiều người nhắc đến, một phần vì thiệt hại nặng nề do bão gây ra, một phần vì đã từ rất lâu miền Bắc mới đón đầu một “siêu bão”. Trên thực tế, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam cũng đã hứng chịu các “siêu bão” tương tự gây thiệt hại lớn về người và tài sản, kể đến như: bão số 9 (bão Molave), tháng 10/2020; bão số 12 (bão Damrey), tháng 11/2017; bão số 14 (bão Hải Yến), 2013; bão số 8 (bão Sơn Tinh) tháng 10/2012;… cùng với hàng trăm cơn bão đổ bộ vào đất liền.

Nhìn vào các “siêu bão” và sức tàn phá ngày càng nghiêm trọng trong hai thập kỷ qua cho thấy các hình thái thời tiết cực đoan đang trở nên khắc nghiệt hơn. Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ của các cơn bão ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng. Điều này có thể khiến tình hình mưa lũ “chưa từng thấy” ở các tỉnh miền Bắc trở thành “bình thường mới” trong tương lai, tương tự như các tỉnh miền Trung hiện nay.

Đáng nói, sự gia tăng các sự kiện khí hậu cực đoan như bão, lũ lụt, gió lớn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, còn có thể ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe con người như tai nạn thương tích, chấn thương tâm lý, các bệnh do vật trung gian truyền bệnh… Trong đó, những biến động về nhiệt độ, lượng mưa, tình trạng ngập lụt trong và sau các cơn bão lũ mang theo vô số rác, chất thải, làm hỏng hệ thống cung cấp nước sạch tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và ký sinh trùng phát triển. Kết hợp với tình trạng ô nhiễm môi trường vốn có càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của một số bệnh lây truyền qua con người, qua vật trung gian, qua nước, qua thực phẩm.

Kinh nghiệm từ trước đến nay cho thấy trong và sau mùa mưa bão lũ lụt, người dân thường phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác nhau. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, người dân sống tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nguồn nước, thực phẩm và điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Các bệnh thường gặp trong tình trạng này bao gồm các bệnh lý về đường tiêu hóa, bệnh da liễu, cảm lạnh, cúm và đau mắt. Thêm vào đó, gia tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết.

Cụ thể, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, bệnh tả, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh lỵ amip, bệnh thương hàn, nhiễm khuẩn do E.coli và viêm gan virus A. Nguyên nhân chính là do nguồn nước sinh hoạt, nước ăn uống, lương thực và thực phẩm bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và đơn bào.

Bệnh ngoài da bao gồm nấm chân tay, viêm lỗ chân lông, viêm da tiếp xúc, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Ngoài ra, người dân vùng lũ lụt có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua da và niêm mạc như bệnh Whitmore, bệnh do xoắn khuẩn leptospira và bệnh do Vibrio vulnificus. Những bệnh này xuất phát từ nguồn nước bẩn, ô nhiễm vi sinh vật, điều kiện sinh hoạt ẩm thấp, khi người dân phải ngâm mình lâu trong nước bẩn.

Các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm bờ mi và viêm tuyến lệ cũng là các bệnh phổ biến, chủ yếu đến từ ô nhiễm môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm họng và viêm đường hô hấp gia tăng do nhiễm lạnh từ việc ngâm mình lâu trong nước, thiếu quần áo ấm, điều kiện ăn ở không bảo đảm che chắn kín gió và việc di dời đến các khu vực đông người không bảo đảm vệ sinh.

Sau bão lũ, người dân thường phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm. (Ảnh minh họa)

Cuối cùng, các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết thường gia tăng trong môi trường sau lũ lụt, nơi điều kiện rất thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi. Điều kiện ăn, ở, ngủ nghỉ tạm bợ và không bảo đảm cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh này.

Nâng cao khả năng ứng phó dịch bệnh

Đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như “siêu bão” trong tương lai, các tỉnh, thành trên cả nước cần chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và phòng ngừa từ sớm để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ sức khỏe khi sống chung với bão lũ.

Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, bão lũ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, nhiều nội dung bước đầu đã được tích hợp, lồng ghép với một số chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển của ngành Y tế. Từ năm 2019 đến nay, ngành Y tế đã lồng ghép thực hiện các hoạt động về phòng, chống thiên tai vào các dự án, chương trình, hoạt động chuyên môn hàng năm của ngành và công tác y tế của các tỉnh, thành.

Cụ thể, các tỉnh, thành trên cả nước đã và đang thực hiện một loạt các biện pháp nâng cao khả năng ứng phó dịch bệnh trong và sau thiên tai, bão lũ. Trước tiên, nâng cao nhận thức cộng đồng về các biện pháp phòng, chống thiên tai và bảo vệ sức khỏe, giúp người dân chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc tăng cường hệ thống y tế, bảo đảm dự trữ thuốc và vật tư y tế, cùng với việc thiết lập các trung tâm y tế lưu động khi cần thiết, cũng đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, các phương án y tế ứng phó và phản ứng nhanh đã được xây dựng chi tiết, kịp thời, bao gồm việc đào tạo nhân viên y tế và tổ chức các cuộc tập huấn định kỳ.

Quản lý nguồn nước và duy trì tiêu chuẩn vệ sinh môi trường là cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Thực hiện cấp phát hóa chất làm trong và khử trùng nước uống cho cộng đồng tại các vùng ngập lụt. Tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng… Đồng thời truyền thông, đưa tin hướng dẫn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng bị ảnh hưởng.

Cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Trước hết, lựa chọn thực phẩm an toàn là rất quan trọng, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi, đồng thời chế biến thực phẩm đúng cách. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cùng với việc rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ hoặc nước bẩn để phòng ngừa các bệnh ngoài da.

Để ngăn chặn sự phát triển của muỗi, cần tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy và diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn. Loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô, cùng với các hốc nước tự nhiên nơi muỗi có thể sinh sản. Mắc màn khi ngủ, kể cả vào ban ngày, cũng là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đồng thời, cần thường xuyên thau rửa bể nước, giếng nước, các dụng cụ chứa nước, sử dụng hóa chất khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Sau khi nước rút, hãy thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh từng khu vực một, thu gom và xử lý xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Với trường hợp nguồn nước bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh không bảo đảm ở các khu vực bị lũ lụt, người dân cần cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men và hóa chất khử trùng nước. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Những biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng trước thiên tai, bão lũ.

Là một trong những nơi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn TP Hà Nội có 15 quận/huyện, 101 xã/phường, 302 điểm ngập úng, tổng số hộ gia đình bị ngập là 39.116. Về tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt, theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến chiều ngày 15/9 đã có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, 1 ca mắc sốt xuất huyết.