|
Từ Tân Trào, Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh X.Y.Z, đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật, số 120, ngày 15-10-1949 nêu bật tư tưởng, quan điểm chỉ đạo sâu sắc của Người về công tác vận động quần chúng. Hơn 60 năm đã trôi qua, song nội dung tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ vẫn còn nguyên tính thời sự; vẫn luôn là cẩm nang của các thế hệ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể làm công tác vận động quần chúng.
Lịch sử đánh giặc giữ nước hàng ngàn năm qua của dân tộc ta đã chỉ rõ sức mạnh lòng dân là nhân tố quyết định. Nguyễn Trãi đã nhận ra chân lý ấy khi qua cửa sông Bạch Đằng, đã viết “Phúc chu tín thủy dân do thủy” (1) (Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước) lý giải sự thất bại đau đớn trong cuộc chiến chống quân Minh của Hồ Quý Ly bởi không hiểu được lòng dân và sức dân. Với Trần Hưng Đạo và Nhà Trần, Bạch Đằng là chiến công hiển hách của dân tộc ta bởi đã quy tụ được lòng dân, động viên được sức dân để giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, với sức mạnh quân sự thua kém kẻ địch nhiều lần song chúng ta vẫn làm nên Cách mạng Tháng Tám, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc Hội thảo khoa học do Bộ Quốc phòng và Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-4-2010 tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh” chỉ rõ: Khi niềm tin được xác lập trong trái tim và khối óc của quần chúng sẽ tạo nên sức mạnh vật chất để chiến thắng quân thù. Chính lòng dân, lòng tin của dân đối với Đảng, với Bác Hồ, với chế độ đã tạo nên sức mạnh kỳ diệu ấy.
|
||
LLVT thành phố làm tốt công tác dân vận giúp nhân dân làm hàng trăm kilômét đường giao thông liên thôn, củng cố cơ sở hạ tầng ở các xã, phường còn khó khăn của thành phố. Ảnh: HỒNG HẠNH |
Kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2010), bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và diễn văn của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đều có chung một nhận định: “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân”. Đồng chí Bí thư Thành ủy đã nhấn mạnh: “Chính lòng dân ấy, chính sự đồng thuận ấy là nguồn lực mạnh mẽ ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Bài học tin ở dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân, hết lòng vì dân là bài học đầu tiên và muôn thuở, là bài học của mọi lúc, mọi nơi. Đây cũng chính là bài học lớn và sâu sắc nhất của chúng ta trong suốt chặng đường vừa qua”.
Nhận thức một cách sâu sắc rằng dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Quy chế đã xác định trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cụ thể hóa sự chỉ đạo của Trung ương, năm 2010, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương an dân, chăm lo đời sống của nhân dân bằng các chính sách an sinh xã hội tích cực; tổng kết và biểu dương điển hình “dân vận khéo” 2009-2010; tổng kết 10 năm công tác dân vận của chính quyền và tăng cường hơn nữa công tác dân vận của chính quyền trong thời gian tới. Bài học “được lòng dân” tiếp tục được phát huy sẽ “chính là điều kiện, là tiền đề tạo ra sức mạnh tổng hợp để Đà Nẵng tiếp tục đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố trong những năm tới.”(2) Kim chỉ nam cho hành động của mỗi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị để đạt được mục tiêu “được lòng dân” chính là phải quán triệt sâu sắc nội dung tác phẩm “Dân vận” của Bác, phải nắm vững phương pháp làm dân vận của Bác. Kết luận của Bài báo đã như một lời dặn dò tâm huyết và nghiêm khắc của Người đối với mỗi một chúng ta hôm nay và mai sau phải luôn ghi nhớ và làm theo:
“ Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Trong ý nghĩa đó, để giới thiệu, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, tăng cường công tác dân vận của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các Hội đoàn thể về công tác vận động quần chúng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”, Báo Đà Nẵng đã quyết định mở chuyên trang về công tác dân vận. Ban Dân vận Thành ủy hoan nghênh chủ trương này của Ban Biên tập Báo Đà Nẵng và hy vọng rằng Trang Dân vận sẽ nhận được sự đầu tư thích đáng của Ban Biên tập, của cộng tác viên và bạn đọc gần xa.
Đây cũng là hành động “làm theo” thiết thực hướng về kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2010).
TRẦN ĐÌNH LIỄN
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng
(1) Trích từ bài thơ “ Quan hải” của Nguyễn Trãi.
(2) Phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Lễ Kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng.