Học thuyết quân sự mới và tham vọng địa chính trị của Putin

(PLO) - Nga đã thông qua học thuyết quân sự mới. Học thuyết này nêu rõ rằng, việc mở rộng của NATO là mối đe dọa bên ngoài chủ yếu của Nga, đồng thời nhấn mạnh nước này cần mở rộng ảnh hưởng tới Bắc Cực, và tăng cường quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy không phải phương Tây như Trung Quốc và Brazil.
Học thuyết của Nga khẳng định "có nhiều xung đột khu vực chưa được giải quyết. Có xu hướng áp vũ lực cho các giải pháp, kể cả những khu vực giáp với Liên bang Nga. Cấu trúc hiện đang tồn tại của hệ thống an ninh quốc tế không cung cấp chuẩn mực an ninh cân xứng, công bằng cho mọi quốc gia".
Để đối phó với nhận thức an ninh kiểu bất bình đẳng này, học thuyết mới của Nga nêu rõ ràng việc cho phép Moscow và các nước đồng minh cùng thiết lập hệ thống tên lửa phòng thủ. Điều này dường như nhằm vào các kế hoạch trước đây của Mỹ trong nỗ lực triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan, một láng giềng của Nga và là cựu thành viên khối Hiệp ước Warsaw do Liên Xô dẫn đầu.
Bản dịch tiếng Anh mà tờ tin tức Quốc phòng thực hiện với học thuyết mới của Nga nhấn mạnh, NATO đang "xói mòn ổn định toàn cầu và vi phạm cán cân sức mạnh trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân".
Ngoài việc tập trung đối phó với NATO, học thuyết mới của Nga kêu gọi mở rộng sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Moscow đã thiết lập được một hệ thống xây dựng dọc theo Bắc Băng Dương gồm một chuỗi 10 trạm tìm kiếm và cứu hộ cùng 16 cảng nước sâu.
Nga vẫn luôn là một siêu cường quân sự. Học thuyết quân sự mới cho thấy Bắc Cực sẽ là trọng điểm tăng cường của nước Nga trong thời gian tới.
Ngoài ra, Moscow đang huấn luyện đội biệt kích đặc biệt cho tác chiến Bắc Cực và một lữ đoàn tác chiến Bắc Cực thứ hai dự kiến hoàn tất năm 2017. Nga cũng đang xây dựng thêm 13 sân bay và 10 trạm radar phòng không.
"Sự bùng nổ xây dựng này sẽ cho phép khả năng sử dụng các máy bay ném bom lớn hơn, hiện đại hơn", Mark Galeotti, giáo sư nghiên cứu các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học New York cho biết. "Vào năm 2025, vùng biển Bắc Cực sẽ do cả một phi đội máy bay tàng hình ném bom thế hệ mới tuần tra".
Điểm nhấn thứ ba trong học thuyết quân sự mới của Nga là xây dựng và tăng cường các mối quan hệ với những quốc gia BRICS - Brazil, Ấn Độ, TQ và Nam Phi. Mối quan hệ Nga - Ấn được coi là ví dụ điển hình cho kiểu quan hệ mà Moscow muốn gây dựng với các thành viên khác trong BRICS.
Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với 75% toàn bộ lượng vũ khí đén từ Nga. Ngoài ra, hai nước còn đang hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Quan hệ quân sự của Nga với các thành viên khác trong BRICS còn kém xa "quả ngọt" như đã có với Ấn Độ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine đã mở đường cho những liên kết gần gũi hơn giữa Moscow với Bắc Kinh và nhiều nước phi phương Tây.

Đọc thêm