Học trò vô đạo và tội ác "rợn người"

Dân gian có câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Thế nhưng, có không ít học trò đánh thầy, dọa cô, thậm chí còn giết cả thầy, cô giáo của mình.

Dân gian có câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Thế nhưng, có không ít học trò đánh thầy, dọa cô, thậm chí còn giết cả thầy, cô giáo của mình.

Hai học trò độc ác Tân và Dũng
Hai học trò độc ác Tân và Dũng

Trò đánh thầy

Hành vi ngỗ ngược này đã xảy ra ở rất nhiều trường phổ thông trung học, đại học và cao đẳng. Nhiều thầy, cô giáo cũng tỏ ra bức xúc vì trong lớp mình dạy có những học trò hư, thường đánh nhau, gây mất đoàn kết trong lớp. Khi bị nhắc nhở, có em còn đe dọa thầy cô, trả thù thầy cô.

Thầy giáo Đoàn Xuân Hòa - một giáo viên ở Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: “Nhìn thấy đám học trò tóc xanh, tóc đỏ, quần áo bờm xơm, xẻ dọc xẻ ngang mà tôi thấy rợn người. Nhiều khi dạy, các em nghịch ngợm, bỏ học mà tôi không dám nhắc nhở. Cũng có lần tôi nhắc nhở, nhưng chúng lại “nhắc nhở” lại tôi là phải cẩn thận, không thì chúng nó cho ăn đòn”.

Thầy giáo Nguyễn Đức Nhường, một giáo viên ở Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng có nỗi lo tương tự, khi mà học sinh trong lớp anh làm chủ nhiệm cũng có nhiều em cá biệt, bướng bỉnh, thường tụ tập đánh nhau. Những vụ “trò cho thầy ăn đòn” thỉnh thoảng đọc được trên báo khiến thầy hoang mang. Nhiều lần thầy có gọi phụ huynh đến nhắc nhở, nhưng các bậc phụ huynh cũng… bất lực.

Hai năm trước, học sinh Vũ Hoàng Hiếu (SN 1991), học sinh lớp 11B8, THPT Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã dùng đá và gậy đánh thầy giáo Lưu Phước Mỹ gục ngay trên bục giảng. Chuyện như sau: Hôm đó, khi vào tiết 1 môn toán buổi chiều, tại lớp 11B, học sinh Vũ Hoàng Hiếu đã có hành vi không nghiêm túc khi đứng lên chào giáo viên vào lớp.

Bị nhắc nhở, Hiếu tỏ thái độ thách thức nên thầy Mỹ đã phạt Hiếu đứng trên bục giảng. Được khoảng 15 phút, Hiếu bỏ ra ngoài. Vào tiết 2 môn toán, khi thầy Mỹ gọi Hiếu lên trả bài, Hiếu chạy lên bục giảng và bất ngờ rút 1 cây gậy gỗ và 1 hòn đá đánh liên tục vào đầu và người thầy Mỹ, khiến thầy Mỹ gục ngay trên bục giảng...

Học sinh lớp 11B đã phải khống chế Hiếu, đồng thời khẩn trương đưa thầy Mỹ đi cấp cứu. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk kết luận thầy Mỹ bị chấn thương sọ não.

Tháng 2/2010 một học sinh lớp 7 trường THCS Lê Văn Thiêm (xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã mang dao đến lớp dọa thầy giáo. Đó là buổi dạy của thầy Trần Minh Hảo với môn Công nghệ. Đang lúc dạy, thầy Hảo thấy lạnh nên nói học sinh tắt quạt. Học sinh Phan Đình Hoạt đã đứng dậy quát: “Không ai được tắt”. Thầy Hảo tự mình lại tắt, Hoạt chạy lên bục giảng đôi co, xô xát với thầy.

Sau đó, Hoạt rủ thêm vài người bạn cầm dao xông vào lớp dọa chém thầy. Khi thầy Hảo vừa ra khỏi trường thì Hoạt tiến tới chặn đánh. Các giáo viên trong trường cho biết, Hoạt là một học sinh cá biệt, ở lại lớp 2 năm liền. Nhiều lần nhà trường kiểm điểm rồi gọi phụ huynh đến gặp nhưng rồi đâu vẫn vào đó. Tại ngôi trường này, mấy năm nay cũng xuất hiện một số học sinh cá biệt, luôn gây gổ trong trường, đe dọa thầy cô.

Mới đây, một nhóm sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh rủ nhau đi “xử” một thanh niên có mâu thuẫn với nhóm, được thầy giáo dạy quân sự can ngăn. Cả nhóm đã ném đá, đánh cả thầy giáo đang dạy mình. Tất nhiên, những hành vi côn đồ của nhóm sinh viên này sẽ bị xử lý, nhưng nó cho thấy đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên đang ở mức báo động.

Trả giá cho tội ác

Sáng 13/7/2008, TAND tỉnh Ninh Bình đã tuyên phạt Trần Văn Minh (21 tuổi), trú tại xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) mức án tử hình vì tội giết người. Theo cáo trạng, Minh là học trò cũ của cô giáo Nguyễn Thị Lụa (SN 1972). Do ở gần nhà cô giáo cũ nên hắn biết chồng đi lao động nước ngoài, có nhiều tài sản, lại chỉ có hai mẹ con ở nhà. 

Khi Minh theo học ở Cao đẳng du lịch Hà Nội, hắn thường sử dụng tiền của gia đình chu cấp để chơi số đề, ăn tiêu phung phí dẫn đến nợ nần không có tiền đóng học phí nên đã nảy sinh ý định về quê, cướp tài sản của cô giáo cũ. Hắn mua dao, dắt sẵn trong người và đến nhà cô Lụa và đúng lúc trời mưa.

Khoảng 20h30 ngày 16/3/2007, Minh vào nhà cô Lụa xin trú mưa. Cô Lụa mở cửa sắt mời vào, khi cô Lụa đi qua để lấy nước mời, Minh liền rút dao ra đâm cô. Khi con cô Lụa nghe tiếng mẹ kêu liền chạy ra, cũng bị Minh đâm, ngất. Sau đó, hắn lấy chùm chìa khóa của cô Lụa, lục đồ. Hắn lấy 4 chiếc nhẫn đeo tay, 1 dây chuyền, 1 lắc tay và 600.000 đồng. Sau đó, hắn rửa tay, mặc áo mưa rồi dắt chiếc xe Attila của nạn nhân ra ngoài, bỏ đi.

Vào sáng 21/4/2011, TAND tỉnh Khánh Hòa đã đưa vụ giết người cướp tài sản nghiêm trọng xảy ra tại xã Diên Phú (Diên Khánh - Khánh Hòa) ra xét xử lưu động. Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Dũng (SN 1991) tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt buộc phải chấp hành là Tử hình, Trần Văn Tân (SN 1992) tù Chung thân về tội giết người, 8 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Những người có mặt tại phiên tòa hôm đó không khỏi căm phẫn đối với hai học trò hư hỏng, độc ác này.

Không có tiền tiêu xài và cá độ, Tân, Dũng bàn nhau đi cướp tài sản của cô giáo chủ nhiệm cũ của mình thời lớp 9 là Nguyễn Thị Tố Nga (ở thôn 4, xã Diên Phú). Cô giáo Nga từng dạy dỗ và thuê Tân, Dũng đến nhà xây tường rào cho mình nên Tân, Dũng biết cô Nga thường ở nhà một mình và có nhiều tài sản.

Trưa 22/6/2010, Tân, Dũng mua hai con dao chờ đến chiều tối leo qua hàng rào đến nhà cô Nga. Vượt tường vào trong, thấy nhà cô Nga có nhiều người, hai tên “rút lui”. Tối hôm sau, cả hai đi lấy hai con dao rồi leo tường vườn nhà cô Nga, nấp dưới gốc cây ngoài vườn.

Khi biết cô Nga ở nhà một mình, chúng "ra tay". Cả hai đã đẩy cô giáo cũ ngã xuống đất rồi dùng dao đâm liên tiếp vào người cho đến khi cô giáo tắt thở. Chúng lục lấy được một sợi dây chuyền vàng, một chiếc lắc vàng, ba nhẫn vàng mà cô Nga đang đeo trên người. Sau đó, chúng tìm điện thoại, xe đạp của cô Nga mang đi tiêu thụ, lấy tiền ăn chơi. Nhưng hành vi của chúng đã phải trả giá.

Đâu là nguyên nhân

Nhiều người cho rằng, sở dĩ nhiều học sinh, sinh viên manh động, ra tay độc ác với thầy cô giáo như vậy là do các “dịch vụ đen” xung quanh học đường bao vây khiến cho các em sinh hư hỏng, sa ngã. Các em còn bị kích động bởi những phần tử xấu, bị sa ngã vì những cám dỗ nên sớm nhúng tay vào tội ác.

Sự ngỗ ngược, gian ác của học trò cũng do phía gia đình buông lỏng quản lý, nhà trường không giáo dục đến nơi đến chốn. Vậy, để giảm bớt cái ác trên học đường, giảm thiểu những vụ án học trò đánh đập, giết hại thầy cô thì ngoài việc học trò phải trau dồi đạo đức ra, thì xã hội, gia đình cần có những hành động cụ thể trong việc giáo dục, quản lý con em mình.

A Khoa

Đọc thêm