Hội chứng quý tử

Trong chuyến du lịch của nhóm gia đình bạn bè, bé T.N. (bảy tuổi), con chị B.C. (Q.3, TP.HCM) đã khiến chúng tôi nhiều phen hết hồn. Hễ không vừa ý, bé lại la hét, giãy giụa, thậm chí cào cấu tự gây thương tích để ba mẹ chiều theo ý.
Trong chuyến du lịch của nhóm gia đình bạn bè, bé T.N. (bảy tuổi), con chị B.C. (Q.3, TP.HCM) đã khiến chúng tôi nhiều phen hết hồn. Hễ không vừa ý, bé lại la hét, giãy giụa, thậm chí cào cấu tự gây thương tích để ba mẹ chiều theo ý.

Còn ba mẹ bé, sau một hồi không thuyết phục được quý tử, đành cảm thán: “thôi trời đành chịu đất”!

Những “ông trời con”

Đáng nói, là dù phải chịu đựng đủ kiểu làm mình làm mẩy của “ông” con suốt chuyến đi, nhưng chị B.C. vẫn tự hào: “Cu N. nhà mình bộc lộ bản lĩnh và sự quyết đoán từ khi còn bé. Cháu luôn dứt khoát một là một, hai là hai, không bao giờ chịu nhượng bộ. Chỉ mỗi tội nó... cá tính quá. Có lần ba cháu không kịp chiều ý, cu cậu nổi giận, phi như tên bắn từ trên giường xuống đất, đầu đập vào chân bàn, phải vào bệnh viện may bốn mũi!”.

Sự hy sinh của cha mẹ với con cái là bình thường trong cuộc sống, tuy nhiên, hy sinh mù quáng lại hại con. Như trường hợp anh P.K. (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhà khá giả, lại không muốn con thua kém bạn bè, anh chị không bao giờ từ chối bất kỳ yêu cầu nào của con. Nếu bố mẹ chưa đáp ứng, cả hai đứa con dọa... bỏ nhà đi bụi! Lập tức, các nhu cầu được đáp ứng. Mới học tiểu học, hai quý tử đã được sử dụng điện thoại xịn.

Mô tả ảnh.
(Ảnh minh họa)

Chưa hết cấp II, đứa lớn nằng nặc bắt ba mẹ phải mua xe máy trị giá gần 50 triệu. Biết con chưa đủ tuổi chạy xe, anh chị vẫn chiều con. Chạy xe một thời gian, muốn đổi xe nhưng ba mẹ không đồng ý, cậu cả bán luôn xe và về báo mất. Vừa được tiền tiêu xài, vừa mau được mua xe mới… Vậy mà, khi đứa con trai lớn bị bắt vì là đồng phạm trong một vụ giật dây chuyền và sa vào nghiện ngập, anh chị vẫn chưa… tỉnh ngộ.

Cậu con út P.S. vẫn muốn gì được nấy với sự chu cấp cao cấp hơn. Lên lớp 10, cậu này ép mẹ mua cho mình chiếc Honda và: “Nếu không, con sẽ bỏ học”. Sinh nhật lần thứ 17, quý tử út đòi được đãi bạn bè ở một vũ trường. “Ba má không cho, con sẽ bán xe lấy tiền tự làm sinh nhật!”. Trong nhà, cậu con như một ông vua, không coi ai ra gì, sẵn sàng quát tháo mọi người. Cậu tỉnh bơ gọi bố mẹ là ông bà, nhưng anh chị vẫn phải cắn răng chịu trận vì sợ trái ý sẽ “mất” luôn thằng con trai còn lại.

Giàu sang chiều con đã đành, nghèo như chị N.G. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng chẳng thoát cảnh “ông trời con” hành. Hai vợ chồng chị G. buôn bán, thu nhập mỗi tháng không quá năm triệu. Học lớp 9, nhưng M., cô con gái lớn vẫn được mẹ “thuê” ăn cơm 20.000đ/bữa. M. không bao giờ phải động tay vào bất kỳ công việc nhà nào. Quần áo của M. mẹ phải giặt. Nhà có em gái năm tuổi, bữa nào ba mẹ đi bán hàng về trễ, M. được thuê trông em với giá 15.000đ/giờ. Hơn hai tháng nay, anh chị như người mất hồn, M. đã bỏ nhà chỉ vì cha mẹ không sắm xe máy cho “tiểu thư”.

Bội thực tình thương

Những “ông trời con” xuất hiện ngày càng nhiều trong các gia đình hiện đại. Chỉ riêng ở Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng I và II, mỗi tháng đã có vài chục trẻ được đưa đến khám do có nhiều dấu hiệu tâm lý bất thường vì được cưng chiều quá mức. Các BS gọi hiện tượng này là hội chứng quý tử (HCQT).

Theo chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp, Phó trưởng khoa Tâm lý BV Nhi Đồng II, nguyên nhân dẫn đến HCQT là do trẻ bị “bội thực” tình thương. “Bội thực” tình thương cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối nhiễu tâm lý ở trẻ hiện nay. Cũng theo ông Điệp, BV Nhi Đồng II từng tiếp nhận nhiều trường trường hợp trẻ từ ngoan hiền đã trở nên hung bạo, thô lỗ, không kiềm chế được lời nói, cảm xúc chỉ vì bị “bội thực” tình thương.

Một nghiên cứu mới đây về HCQT của TS Trần Năng Thể (chuyên gia giáo dục Trường quản trị cuộc đời LiMa) cho thấy: “Xã hội đang ngày càng có nhiều những cậu ấm cô chiêu, chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ tuân phục bất kỳ một luật lệ nào trong gia đình và cũng không chịu khuất phục bất kỳ ai. Có những đứa trẻ được cưng chiều quá mức, trở thành “bạo chúa” hung hãn, luôn biểu hiện ý chí thống trị mọi người trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ”.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, những đứa trẻ rơi vào HCQT, dù vì bất kỳ lý do gì cũng đều là nạn nhân của cha mẹ. Sự chiều chuộng con một cách thái quá, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện khiến trẻ tự cho rằng mình có những đặc quyền, đặc lợi riêng và không biết giới hạn điểm dừng. Khi được đáp ứng mọi yêu cầu, trẻ dễ trở thành người ích kỷ, tham lam thậm chí trở nên ác độc và lẽ dĩ nhiên, khi trưởng thành, trẻ cũng khó thành công trong cuộc sống.

Để “con trời” thành “con mình”

Theo các nhà tâm lý, trẻ bắt đầu hình thành cái tôi cá nhân ở tuổi lên ba và nhân cách của trẻ ở giai đoạn năm-bảy tuổi có thể ảnh hưởng nhiều đến nhân cách khi trưởng thành. Do vậy, dù là con quý, con hiếm, cha mẹ cũng không nên chăm bẵm quá mức khiến trẻ có ý nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, là châu báu của ông bà, bố mẹ...

Tôn trọng con, giúp con phát triển cái tôi và sự tự tin, nhưng cha mẹ cần đặt ra những phạm vi, giới hạn mà trẻ không được phép vượt qua. Điều này giúp trẻ biết cách kiềm chế bản thân, học cách chấp nhận khó khăn, thất bại để dễ thích nghi với cuộc sống khi trưởng thành.

Trong những lời khuyên dành cho cha mẹ, Th.s Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hồn Việt luôn nhấn mạnh việc giúp con có ý thức trách nhiệm với gia đình, người thân thông qua những công việc nhà phù hợp với lứa tuổi và khả năng. Bên cạnh đó, ngoài việc vui chơi, học hành trẻ cũng cần được khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội để có thể nhìn rộng hơn và hiểu hơn về cuộc sống quanh mình.

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh (Trường Quản trị cuộc đời LiMa) khẳng định: “Không thể thay đổi hành vi, thói quen và tính cách của trẻ nếu cha mẹ không chịu thay đổi chính mình. Cha mẹ phải làm gương cho con trong nếp sống, thói quen tiêu xài, mua sắm… Để điều chỉnh hành vi của một quý tử, cần phải có thời gian để trẻ dần thích nghi và chấp nhận. Kiểu phản ứng cứng rắn như cắt đột ngột tất cả các nhu cầu, trói buộc trẻ vào một khuôn khổ nhất định có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực ở trẻ như bỏ học, bỏ nhà… thậm chí tự tử vì trẻ “sốc” do không quen nhường bước hoặc trẻ phản ứng để đe dọa cha mẹ”.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên xây dựng cho con mục tiêu phấn đấu dựa trên khả năng và sở thích của trẻ. Khi có một mục tiêu, trẻ sẽ bớt những đòi hỏi vô lý và việc giúp trẻ thực hiện mục tiêu cũng là cách giải tỏa áp lực của trẻ trước sự thay đổi trong cách cư xử của cha mẹ.

Đặc biệt, phụ huynh nên quan tâm và đưa trẻ đến các chuyên viên, bác sĩ tâm lý khi thấy trẻ có những biểu hiện như: không muốn giao tiếp với bạn bè, thường than vãn “không ai muốn chơi với con” hoặc luôn tỏ ý bài xích, chê bai mọi người, cho rằng không ai xứng để kết bạn; trẻ trở nên cáu kỉnh, dễ nổi nóng, không kiềm chế được hành vi, cảm xúc, lời nói khi không được đáp ứng yêu cầu hoặc dễ bộc lộ bức xúc dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, trẻ không biết quan tâm đến người khác, dửng dưng, vô cảm trước những khó khăn, hoạn nạn của bạn bè, người thân…

Theo Phụ Nữ

Đọc thêm