Hỏi - cưới hiện nay: Vui ít, lo nhiều

Đám cưới bây giờ được tổ chức tất cả thời gian trong năm (trừ tháng 7, tháng ngâu) nhưng theo truyền thống, vẫn tập trung vào những tháng cuối năm, nhất là từ tháng 8 đến tháng 11 (âm lịch).

Đám cưới bây giờ được tổ chức tất cả thời gian trong năm (trừ tháng 7, tháng ngâu) nhưng theo truyền thống, vẫn tập trung vào những tháng cuối năm, nhất là từ tháng 8 đến tháng 11 (âm lịch). Việc cưới dồn dập vào mấy tháng cao điểm gây ra khá nhiều chuyện "dở cười dở mếu" cho những người tham dự. Giờ đây, cả đám cưới ở quê lẫn ở thành phố đều để lại những "lăn tăn" cho nhiều người.

 

Linh đình tiệc cưới (ảnh minh họa)

Hỏi, cưới ở phố: Rình rang, hình thức

 

Cô bạn tôi ở quận Lê Chân ngoài tuổi "băm"  mới lấy chồng. Khỏi phải nói gia đình nhà gái vui cỡ nào bởi đã tháo được ngòi "quả bom nổ chậm". Bố mẹ cô quyết định tổ chức cưới cho con "thật ấn tượng" để thỏa nỗi vui mừng. Tiệc ăn hỏi tổ chức trước đám cưới 1 tuần. Hôm ăn hỏi, cả đoạn phố nhỏ bị tắc bởi 11 chiếc xe tắc xi gắn bóng bay chở lễ. Bà con xóm phố có dịp chiêm ngưỡng chiếc cổng hoa treo biển "Đính hôn" kết  hoa hồng và hoa lan tươi thật ấn tượng mà số tiền thuê công kết cổng và tiền hoa tươi cũng khiến khối người giật mình: hơn 5 triệu đồng. Cô dâu xúng xính trong áo, váy cùng chú rể đi lại, làm dáng trước máy quay và anh "phó nháy". Một tuần sau, chiếc xe 4 chỗ sang trọng kết hoa đến đón dâu. Dù khách sạn không xa nhà là mấy nhưng làm thủ tục xong, xe dẫn dâu đi lòng vòng các phố cũng hết cả tiếng đồng hồ. Vào khách sạn lại quay phim, chụp ảnh... Đám hỏi, đám cưới cô bạn kể trên giờ đây chỉ là một trong những đám "bình thường" ở thành phố xét về mặt hình thức. Vào ngày đẹp, thứ 7, chủ nhật, trên các phố chính như Tô Hiệu, Lach Tray, Lê Lợi, Lê Hồng Phong... bắt gặp nhiều đoàn xe ô tô ăn hỏi. Có ngày, phố Lê Lợi có tới 4 đám cưới, hỏi. Chỉ riêng xe ô tô chờ sắp lễ cũng dài tới một  đoạn phố. Đám hỏi, đám cưới ở thành phố hiện nay quá cầu kỳ về hình thức. Hình như đó không chỉ thể hiện khả năng kinh tế của 2 gia đình có con hỏi, cưới mà đã thành phong trào?

 

Cỗ bàn ở quê: Nặng nề

 

Nếu ở thành phố, việc cưới tổ chức rình rang, hình thức thì ở quê, nặng nề nhất vẫn là cỗ bàn. Do đặc trưng ở làng quê họ hàng đông, quan hệ làng xã gắn bó nên một đám tổ chức ít ra cũng bốn năm chục mâm, nhiều có khi tới cả trăm mâm ăn vài ba ngày. Nếu một làng có 2 đám cưới trở lên trong một ngày thì ngày cưới hầu như nhà nào trong làng cũng có người đi ăn cỗ. Một đám cưới thường tổ chức ít nhất 2 ngày, ngày đầu dựng rạp chuẩn bị cỗ, trưa hôm sau  chính tiệc và buổi chiều là "cuốn cờ dỡ rạp". Việc cưới xin ở quê không khiến gia chủ quá lo lắng bởi hầu như không đám nào "lỗ", khéo chào mời còn lo được chỗ ăn ngủ cho con (mua sắm giường đệm, tủ, bàn ghế), vì vậy  không ít  đám, chủ nhà nhiệt tình mời khách dù khách chưa đến mức thân thiết.

 

Ông Nguyễn Văn Kim, trưởng làng văn hóa một xã ở huyện An Lão than thở: Trung bình mỗi tháng (tháng 8,9) gia đình nhận được 10-12 lời mời ăn cỗ. Có những đám không đi không được, nhưng có đám được mời mà thấy quá băn khoăn. Ấy là khi chủ nhà thẽ thọt "cháu không mời nhiều đâu, nhưng ông là trưởng làng văn hóa, chúng cháu nhất định mời ông đại diện cho... cả làng". Thế là dù không đi ăn cũng phải mừng nhà đám. Thời giá chung ở quê, ăn cỗ 100 nghìn, không ăn mừng 50 nghìn đồng, mà lương cán bộ xã về hưu chưa nổi 1 triệu đồng, phụ cấp trưởng làng văn hóa tính bằng thóc thì điều ông Kim băn khoăn thật có lý. "Người quê vốn sẵn tấm lòng, nhưng có mang tấm lòng để đến mừng cưới được đâu, thế là mỗi lần đi đám cưới, thóc trong nhà lại vơi một ít" bà Hoa, vợ ông Kim chia sẻ.

 

Những băn khoăn

 

Khoảng 10 năm gần đây, người ta hay nói đến đám cưới trang trọng, tiết kiệm, bao gồm tiết kiệm cả cho gia chủ và người được mời. Nhưng thực tế thì không như vậy. Người dân nói muốn biết đám cưới to hay không cứ nhìn vào nhà cán bộ. Điều này thật đúng khi nhiều cán bộ chưa thực sự là tấm gương để người dân soi vào. Đi đám cưới còn là "nỗi khổ khó gọi tên" khi công chức một tuần nhận được vài ba thiệp mời tổ chức tại nhà hàng, khách sạn, nông dân phải tính toán xem lợn, gà đã đến lứa bán hay chưa. Thêm đó là nỗi lo ách tắc giao thông, tệ bài bạc núp bóng trong đám cưới, uống rượu say gây sự và nhạc trống quá to ầm ĩ xóm làng. Và việc không mới, nói rồi vẫn phải nói, ấy là cần xem lại một cách nghiêm túc việc thực hiện hương ước làng văn hóa, tổ  dân phố và mỗi cán bộ đảng viên có thực sự gương mẫu trong thực hiện việc cưới, hỏi tiết kiệm, trang trọng.

 

Phương Anh

Đọc thêm