Hỏi: Đối tượng nào phải được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) và việc đào tạo được thực hiện theo quy định nào?
Trả lời: Tại khoản 3, điều 6 Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định: "Cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh LPG, kinh doanh dịch vụ LPG, kể cả người điều khiển phương tiện vận chuyển LPG phải được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, bảo quản, đo lường chất lượng LPG được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật''.
1. Về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy an ninh trật tự: Tại khoản 6, điều 56 Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định: Bộ Công an có trách nhiệm "Tổ chức, đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên về công tác phòng cháy và chữa cháy, an ninh trật tự theo quy định của pháp luật và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự".
2. Về nghiệp vụ bảo vệ môi trường: Tại khoản 8, Điều 56 Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định: "Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG về công tác bảo đảm an toàn môi trường". Việc đào tạo huấn luyện nghiệp vụ này do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tại địa phương. Việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ trên nếu không thu xếp được thời gian đào tạo trước ngày 30 tháng 9 năm 2010 thì đào tạo sau ngày 01 tháng 10 năm 2010.
3. Về nghiệp vụ an toàn lao động, vệ sinh lao động: Việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ an toàn lao động, vệ sinh lao động thực hiện theo Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
4. Về đào tạo nghiệp vụ chất lượng LPG: Tại khoản 2, điều 56 quy định: Bộ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm đào tạo nghiệp vụ đo lường chất lượng LPG.
Thương nhân trực tiếp liên hệ với các ngành: Công an tỉnh, Khoa học Công nghệ, Tài nguyên Môi trường, Công Thương để được tham gia các lớp tập huấn theo quy định.
Hỏi: Thương nhân kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) nào phải thiết lập hệ thống đại lý kinh doanh LPG?
Trả lời: Các thương nhân khi kinh doanh LPG trên thị trường nội địa đều phải thiết lập hệ thống đại lý kinh doanh LPG phù hợp với điều kiện, quy mô địa bàn và khả năng kinh doanh của thương nhân và chỉ bán LPG cho hệ thống đại lý do mình thiết lập. Việc thiết lập hệ thống đại lý kinh doanh LPG phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 11/2010/TT-BCT ngày 29-3-2010 của Bộ Công Thương về ban hành Quy chế đại lý kinh doanh LPG.
Bên giao đại lý (Thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý) được lựa chọn ký hợp đồng đại lý với các thương nhân kinh doanh LPG đáp ứng đủ điều kiện quy định làm tổng đại lý, đại lý.
Bên đại lý lựa chọn ký hợp đồng làm đại lý tối đa cho 03 (ba) thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc làm tổng đại lý đáp ứng đủ điều kiện quy định. Như vậy, tại mỗi cửa hàng bán LPG chai, thương nhân chỉ được bán LPG chai cho tối đa 03 (ba) thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý theo hợp đồng đại lý đã ký với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý.
Hỏi: Trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước đây ghi là gas, nay giữ nguyên hay phải thay đổi là LPG?
Trả lời: Phải đổi lại tên gọi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là khí dầu mỏ hoá lỏng (viết tắt là LPG) cho phù hợp với Nghị định số 107/2009/NĐ-CP nhằm tránh nhầm lẫn với khí gas khác.
Thương nhân cần liên hệ với Sở Kế hoạch Đầu tư, phòng đăng ký kinh doanh các huyện, thành phố Nam Định để làm thủ tục thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh cho phù hợp với Nghị định./.