Sự kiện Giáo hoàng Benedict XVI chính thức từ nhiệm làm thế giới không khỏi ngỡ ngàng bởi nó chưa từng diễn ra trong lịch sử 600 năm của Vatican và kéo theo một sự kiện khác không kém phần long trọng là Mật nghị Hồng y bầu chọn giáo hoàng mới, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 3/2013 này. Xin dẫn một số “điểm nhấn” cơ bản liên quan đến sự kiện trọng đại này.
|
Không khí làm việc của Mật nghị Hồng y. |
1. Mật nghị Hồng y là gì?
Mật nghị hồng y là cuộc họp của các hồng y có mục đích chính là để chọn giáo hoàng mới. Theo quy định, chỉ có những hồng y dưới 80 tuổi mới có đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu, đợt bầu lần này có 118 hồng y tham gia. Thuật ngữ Mật nghị Hồng y (conclave) có nguồn gốc từ tiếng Latinh Cum clavi nghĩa là (với một chiếc chìa khóa) bởi nó là phương tiện để cho các hồng y sử dụng mở cánh cửa bị khóa cho đến khi họ có một quyết định mới.
2. Mật nghị Hồng y được tổ chức ở đâu?
Mật nghị Hồng y được tổ chức tại nhà nguyện Sistine ở trung tâm của tòa thánh Vatican. Đây là nơi dành riêng kín đáo để tránh sự tò mò hay bình luận. Trong lịch sử của Vatican, quy trình lựa chọn giáo hoàng mất nhiều ngày, các hồng y phải ngủ lại ngay trong nhà nguyện. Đây là công trình nổi có những tác phẩm nghệ thuật của các danh họa thời Phục Hưng nổi tiếng như Michelangelo, Botticelli được “tạc thẳng” vào trần nhà.
Trong thời gian này các hồng y được phép đi thăm viếng trong khuôn viên lãnh địa nhưng không được ra khỏi tường vây của Vatican cho đến khi việc bầu giáo hoàng hoàn tất. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Mật nghị Hồng y, an ninh được tổ chức chặt chẽ, các hồng y không được mang theo các thiết bị nghe nhìn, và cam kết giữ bí mật tuyệt đối, không được để lộ bất cứ thứ gì ra bên ngoài. Chưa hết, các hồng y không được phép tiếp cận các phương tiện truyền thông như phát thanh, truyền hình hay báo giới.
3. Mật nghị Hồng y diễn ra như thế nào?
Có 2 cuộc bầu chọn vào buổi sáng và 2 vào buổi chiều được thực hiện ngay trong nhà nguyện Sistine. Các hồng y có quyền bỏ phiếu cho bất kỳ hồng y khác và từng bước thu hẹp để có danh sách ngắn. Nếu vị nào được 2/3 số phiếu thì bầu cử kết thúc.
Người tiền nhiệm của Giáo hoàng Benedict là Giáo hoàng John Paul II khi còn trị vì đã thay đổi quy chế nói trên. Theo đó, sau vài vòng bỏ phiếu, nếu không có vị hồng y nào đạt được đa số 2/3 số phiếu, thì một đa số 50% cộng 1 phiếu có thể được áp dụng. Tuy nhiên, sau đó Benedict đã thay đổi quy tắc do nói trên của Giáo hoàng John Paul II và phục hồi truyền thống 2/3 trở lại giống như trước năm 2007.
4. Cách thức bỏ phiếu
Các hồng y sẽ viết tên người họ muốn bầu vào phiếu sau đó gấp lại, đi đến bàn bỏ phiếu và đặt phiếu bầu vào đĩa thánh. Đây là tấm kim loại nông được sử dụng để giữ bánh thánh dùng trong ngày thánh lễ và sau đó phiếu bầu sẽ được đưa vào thùng dạng chén lớn hơn.
5. Dấu hiệu kết quả
Phiếu bầu và các giấy tờ ghi chép vòng bầu cuối cùng có tẩm hóa chất sẽ được đốt ngay sau lần bỏ phiếu thứ hai. Dấu hiệu đầu tiên cho thế giới biết bầu được giáo hoàng đó là khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, còn khói đen thì ngược lại.
Cũng phải nói thêm rằng để tránh sự nhầm lẫn, đặc biệt là không lẫn với khói nâu, khi có khói lại có luôn hồi tiếng chuông vọng lên từ thánh đường Saint Peter’s Basilica khẳng định cuộc bầu chọn đã có kết quả. Trong quá khứ, người ta thường còn dùng rơm rạ ướt cho vào lò để tạo khói đen, nhưng từ năm 1960 cách làm này đã được thay bằng cách dùng hóa chất nên người dân không bị nhầm.
6. Giáo hoàng mới ra mắt
Thày phó tế cao cấp của hồng y hay còn gọi là Niên trưởng hồng y đẳng phó tế, một chức vụ đại diện cho các hồng y của Giáo hội công giáo sẽ tư vấn hồng y được bầu xem người có đồng ý với kết quả bầu chọn và có muốn trở thành giáo hoàng hay không. Về lý thuyết, những người được chọn bầu hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định riêng của mình để đảm bảo tính dân chủ.
Khi người được bầu đã chấp thuận kết quả bầu cử thì Thày phó tế cao cấp của hồng y sẽ lên ban công tiền đình Vatican công bố với thế giới bằng tiếng Latinh “Habemus Papam”, nghĩa là “Chúng ta đã có giáo hoàng”.
Giáo hoàng mới sẽ tự chọn tên cho mình, mặc áo choàng mới và bước lên ban công. Việc làm đầu tiên là ban phước, buổi lễ này được truyền phát trên truyền hình để mọi người trên toàn thế giới và đám đông khổng lồ tại Quảng trường Thánh Pherô được biết.
Khắc Nam (theo CSM)