Hội nghị cấp cao LHQ về thực hiện MDGs: Vì một thế giới tốt đẹp hơn

Trong nhịp chuyển đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai, tháng 9-2000, các nhà lãnh đạo cấp cao của 189 quốc gia trên hành tinh đã thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu phát triển được thực hiện trong 15 năm, như một cam kết cùng đối phó với những thách thức để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Trong nhịp chuyển đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai, tháng 9-2000, các nhà lãnh đạo cấp cao của 189 quốc gia trên hành tinh đã thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu phát triển được thực hiện trong 15 năm, như một cam kết cùng đối phó với những thách thức để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Sau 2/3 chặng đường đã đi qua, 140 lãnh đạo các nước lại hội tụ tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra ở New York (Mỹ), từ ngày 20 đến 22-9 để cùng chia sẻ những thành quả đạt được và nhận diện các vấn đề còn tồn tại nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) đúng hạn.

 

10 năm kể từ khi ra đời trong sự đồng thuận hiếm có của các quốc gia thành viên, MDGs đã trở thành một trong những khuôn khổ hợp tác phát triển quan trọng và nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất từ thời điểm tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh - LHQ - thành lập. Với nỗ lực và sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia, tiến trình thực hiện MDGs đã mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, trong đó có người dân ở những quốc gia nghèo nhất. Sáng kiến có ý nghĩa trọng đại đối với việc cải thiện điều kiện của nhân loại đã giúp giảm tỷ lệ người nghèo cùng cực và nghèo đói với tốc độ nhanh chưa từng có, đưa số trẻ em được đến trường tăng cao, tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, nước sạch, thúc đẩy bình đẳng giới... Những câu chuyện thành công về phát triển ở nhiều khu vực trên hành tinh thời gian qua khiến chúng ta có thể tự hào về những tiến bộ vượt bậc trong những vấn đề được nhìn nhận như rào cản nặng nề đối với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Đặc biệt khi những thay đổi đó diễn ra trong khoảng thời gian không dài nếu so với hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng của nhân loại và quan trọng hơn, nó tạo ra niềm tin cần thiết rằng việc hoàn thành MDGs là hiện thực không xa vời.

Tuy nhiên, thế giới cũng đã chứng kiến nhiều đổi thay trong 10 năm qua. Sự hòa nhập và xích lại gần nhau trên tinh thần một thế giới hòa bình và cởi mở đã mang đến những kinh nghiệm quý báu cho nhiều quốc gia. Song, các cuộc chiến tranh, xung đột, sự tàn phá ngày càng lớn của thiên tai do biến đổi khí hậu, những dịch bệnh mới và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kèm theo sự leo thang của giá lương thực, lạm phát... đang là những cú sốc lớn làm chậm tiến trình thực hiện MDGs của nhiều nước. Những số liệu cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 1,1 tỷ người sống dưới mức 1 USD/ngày, gần 11 triệu trẻ em (khoảng 29.000 em/ngày) chết trước khi tròn 5 tuổi, khoảng 1.000 phụ nữ tử vong mỗi ngày do mang thai và sinh nở, 140 triệu trẻ em tại các nước đang phát triển chưa bao giờ được tới trường, 2 triệu người tử vong liên quan đến AIDS...

Đây là những con số phản ánh một thực trạng đáng quan ngại rằng phần lớn các tiêu chí của cả 8 MDGs đều chưa được hoàn thành cho tới thời điểm này. Do đó, thế giới đang thực sự bước vào giai đoạn nước rút để đẩy nhanh thực hiện các cam kết của Tuyên bố Thiên niên kỷ trong 5 năm ngắn ngủi còn lại. Trong bối cảnh đó, sự nỗ lực hành động giữa lãnh đạo các nước, loại bỏ các biện pháp đối xử không công bằng trong thương mại, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, dịch vụ xã hội, chú trọng tới những nhóm dễ bị tổn thương... được nhìn nhận là chìa khóa mở ra cánh cửa đưa con người tới đích cuối cùng của MDGs. Bên cạnh đó, các nước giàu thực hiện đúng cam kết về tăng viện trợ phát triển chính thức để các nước nghèo có thêm nguồn lực phát triển cũng là yếu tố quan trọng thu hẹp sự bất bình đẳng đang hiện hữu và cản trở hành trình đi tới MDGs của nhiều quốc gia.

Sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có bài phát biểu quan trọng chia sẻ những nỗ lực thực hiện MDGs tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của hội nghị. Chủ tịch nước khẳng định những thành tựu đầy khích lệ về xóa bỏ tình trạng nghèo khổ và thiếu đói từ năm 2002, giảm 3/4 tỷ lệ nghèo so với năm 1990, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, đẩy lùi sốt rét và các bệnh dịch... được LHQ ghi nhận cho thấy Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu MDGs. Chính phủ Việt Nam cũng cam kết tiếp tục lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu này vào chiến lược phát triển ở các cấp, gắn liền với công cuộc đổi mới toàn diện và cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc để có thể đạt MDGs còn lại vào năm 2015.

Thế giới bước vào thập kỷ mới với nhiều vận hội; song cũng có không ít những thách thức đang đón chờ. Do đó, thúc đẩy hoàn thành MDGs ở cấp độ quốc tế sẽ không chỉ là sự nỗ lực của một quốc gia riêng lẻ mà cần có sự tổng hợp các nguồn lực cần thiết từ cộng đồng quốc tế, được đặt trong mối quan hệ hữu cơ giữa các chiến lược. Điều này có ý nghĩa quan trọng để tạo dựng niềm tin như tuyên bố của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon: "MDGs là lời hứa của các lãnh đạo thế giới và lời hứa đó phải được thực hiện. Chúng ta không thể làm thất vọng hàng tỷ người đang trông đợi một thế giới tốt đẹp hơn".

8 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) được nhất trí thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của LHQ tháng 9-2000 gồm:

1- Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói.

2- Phổ cập giáo dục tiểu học.

3- Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ.

4- Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

5- Tăng cường sức khỏe bà mẹ.

6- Phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác.

7- Bảo đảm bền vững về môi trường.

8- Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.

                                                                                                                                                        Theo (hanoimoi)

Đọc thêm