Hội nghị giao ban về tình hình thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"

Trong 2 ngày 8 và 9-7-2010, tại thành phố Nam Định, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra về tình hình thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

Trong 2 ngày 8 và 9-7-2010, tại thành phố Nam Định, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra về tình hình thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị.

Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Năm 2010 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án với mục tiêu tiếp tục dạy nghề cho khoảng 400 nghìn lao động nông thôn; thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với khoảng 18 nghìn người và khoảng 12 nghìn người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác với 50 ngành nghề. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình này tối thiểu đạt 80%. Trong 6 tháng qua, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh; một số tỉnh đã ban hành chỉ thị của Tỉnh uỷ, Thành uỷ nhằm tăng cường chỉ đạo của cấp uỷ Đảng trong triển khai thực hiện đề án. Hầu hết các tỉnh đã lựa chọn đơn vị chỉ đạo điểm, một số tỉnh lựa chọn mô hình đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp có hiệu quả; một số tỉnh đã phê duyệt mức chi phí đào tạo nghề. Bước đầu, công tác triển khai đã được các bộ, ngành, các tỉnh tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn. Điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề, thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng chương trình, giáo trình, xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề; chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; xây dựng chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề... Tuy nhiên đến nay việc triển khai ở một số địa phương còn chậm. Dự thảo đề án đến năm 2020 của một số địa phương chưa bám sát hướng dẫn của Trung ương.

Hội nghị đã thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2010, trong đó các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn. Hoàn thành công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn để làm cơ sở xây dựng đề án đến năm 2020 của tỉnh, xây dựng kế hoạch dạy nghề giai đoạn 2011-2015. Đảm bảo hoàn thành xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 cấp tỉnh theo đúng tiến độ triển khai có hiệu quả các mô hình thí điểm dạy nghề trên địa bàn và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2010 của địa phương theo chính sách của Quyết định 1956, đảm bảo hiệu quả về nâng cao năng suất lao động và giải quyết việc làm sau đào tạo. Rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề, hoàn thành việc thành lập các trung tâm dạy nghề ở các huyện chưa thành lập. Tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, thành uỷ, HĐND tỉnh có nghị quyết chuyên đề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2010-2015. Quản lý và sử dụng kinh phí được phân bổ hiệu quả...

Duy Hưng

Đọc thêm