Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/5 được đánh giá là đặc biệt quan trọng bởi nó diễn ra vào đúng năm bầu cử của Mỹ và ngay tại thành phố quê hương của Tổng thống Barack Obama. Đây sẽ là cơ hội để ông chủ Nhà Trắng khẳng định vị trí lãnh đạo cường quốc số một thế giới của mình.
Biểu tượng của Hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: Nato |
Hàng loạt vấn đề nan giải
Cuộc họp của 61 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh tại thành phố Chicago – quê hương của Tổng thống Obama – khai mạc chỉ một ngày sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hội nghị thượng đỉnh lần này được giới quan sát nhận định sẽ là một phép thử vai trò lãnh đạo của Tổng thống Obama tại thời điểm đang có những bất ổn lớn trong một số chính sách đối ngoại cốt lõi mà chính quyền đương kim Tổng thống phải đối mặt.
Theo giới chức Mỹ, Hội nghị G8 vừa qua tại Trại David là cuộc gặp lớn nhất của các nhà lãnh đạo thế giới tại khu nghỉ dưỡng của tổng thống. Trước đó, chỉ có 2 lần các nhà lãnh đạo nước ngoài được mời đến khu nghỉ dưỡng này – lần đầu tiên là khi cựu Tổng thống Jimmy Carter chủ trì cuộc gặp với Thủ tướng Israel Menachem Begin và Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat vào năm 1978 và lần thứ 2 là cuộc họp giữa cựu Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Israel Ehud Barak, nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat hồi năm 2000.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào cuối tuần trở nên căng thẳng hơn, đồng thời làm phức tạp thêm những nỗ lực của chính quyền Obama trong việc đạt được sự “tái thiết” trong quan hệ với bộ sậu lãnh đạo Nga. Còn tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO, việc đạt được những thỏa thuận với Nga về chương trình phòng thủ tên lửa được xem là một vấn đề mà ông Obama khó có thể giải quyết ngay được.
Trong suốt 2 ngày diễn ra các cuộc họp của giới lãnh đạo NATO, chủ đề chính sẽ là thời hạn chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho giới chức Afghanistan. Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tháng 11/2010 tại Lisbon, NATO đã nhất trí sẽ chuyển quyền kiểm soát an ninh cho chính quyền Afghanistan vào cuối năm 2014 và đây cũng là hạn chót rút quân của liên minh.
Song với việc dân chúng ngày càng phản đối cuộc chiến và một số vấn đề an ninh khác tại Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta và một số quan chức khác từng nhiều lần đề xuất việc đẩy nhanh tiến trình rút quân, theo đó chuyển giao toàn bộ quyền kiểm soát an ninh cho Afghanistan từ cuối năm 2013 trong khi liên minh tiếp tục hỗ trợ và lưu quân trước khi rút hết vào cuối năm 2014.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp François Hollande cũng đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan trước cuối năm nay. Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, các nước đồng minh sẽ phải cố gắng tạo ấn tượng rằng sứ mệnh tại Afghanistan đã thành công và rằng lịch trình rút quân của mỗi quốc gia thành viên là phù hợp với chiến lược của liên minh.
Thách thức từ bên trong
Trong khi đó, theo hãng tin AP, những người biểu tình Mỹ ngày 20/5 đã tụ tập tại Chicago để chuẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn nhất của họ, với hàng nghìn người dự định sẽ diễu hành từ một công viên ở trung tâm thành phố tới trung tâm hội nghị nơi Tổng thống Barack Obama sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.
Trước đó, vài trăm người biểu tình đã bị thương khi tụ tập trên các đường phố trong suốt nhiều giờ đồng hồ, buộc cảnh sát phải thiết lập hàng rào an ninh và chia tách đám đông. Chỉ huy cảnh sát Garry McCarthy cho hay, 18 vụ bắt giữ đã được tiến hành, trong đó có vụ bắt giữ 3 người đàn ông bị cáo buộc âm mưu lên kế hoạch tấn công vào văn phòng chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama, nhà riêng của Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel và một số mục tiêu khác trong suốt Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Theo những người tổ chức biểu tình, những người tham gia phong trào Chiếm đóng sẽ cùng với liên minh phản đối chiến tranh tổ chức một cuộc diễu hành lớn hơn vào tối 20/5 để đánh dấu phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh.
“Chúng tôi muốn thế giới tập trung vào NATO – họ không còn quan trọng và không còn nhiệm vụ gì nữa” – một người phát ngôn phong trào Chiếm Chicago nói. Cảnh sát trong khi đó đã huy động lực lượng, thắt chặt an ninh toàn thành phố nơi các nhà lãnh đạo từ gần 60 nước sẽ thảo luận về cuộc chiến tại Afghanistan, về hệ thống tên lửa phòng thủ của châu Âu và một số vấn đề khác.
Minh Ngọc (theo Washington Post, AP)