Dấu mốc quan trọng trong công tác THADS
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái khẳng định, Luật THADS đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác THADS bởi lần đầu tiên công tác này được điều chỉnh bằng văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất. Luật THADS và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cơ bản được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm tình hình của từng giai đoạn đã hình thành hệ thống pháp luật thi hành án cơ bản đồng bộ, từ chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức bộ máy; trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án…
Kết quả đã đạt được của công tác THADS trong những năm qua góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác THADS; khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt của hệ thống THADS trong đời sống xã hội. Cùng đó, quy trình, thủ tục THADS từng bước được hoàn thiện, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; quy định thời hạn thực hiện các thủ tục THADS, các khoản phí, chi phí thi hành án…
Tổng Cục trưởng Tổng Cục THADS Nguyễn Quang Thái báo cáo tại Hội nghị. |
Việc phân công cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong quản lý và tổ chức THADS theo ngành dọc đã tăng cường vị thế cơ quan THADS, tương xứng chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, chỉ đạo chuyên ngành, thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương với công tác THADS. Ngoài ra, hệ thống tổ chức THADS được thành lập phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tính chất đặc thù của hoạt động THADS, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai Luật và trong các quy định của Luật THADS. Như: Tổng số việc phải thi hành chuyển kỳ sau qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn cao; số chưa có điều kiện thi hành, nhất là về tiền, vẫn chiếm tỉ lệ cao so với tổng số phải thi hành, trong đó gồm cả các việc đã chuyển sang theo dõi riêng nhưng chưa có cơ chế để xử lý dứt điểm.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Luật THADS chưa có quy định đầy đủ các bản án, quyết định giao cho cơ quan THADS tổ chức thi hành để phù hợp với quy định của một số luật khác có liên quan; thời gian tổ chức thi hành án còn dài, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong trình tự, thủ tục thi hành án; chưa có quy định riêng đối với một số loại việc đặc thù…
Thực hiện hiệu quả công tác phối hợp liên ngành
Để nâng cao hiệu quả công tác THADS, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật THADS của Thủ trưởng, cán bộ, công chức THADS, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tiếp tục triển khai hiệu quả Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu về quy định của Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với các địa phương có số lượng vụ việc lớn, phức tạp, kéo dài nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp với TANDTC, Bộ Công an, Ban chỉ đạo thi hành án các cấp… trong hoạt động THADS; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh…
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận vào các nội dung trọng tâm liên quan đến những kết quả đạt được cũng như các bất cập, hạn chế, vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Luật THADS năm 2008. Các vấn đề được trình bày tại Hội nghị tập trung vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong THADS; cơ chế phối hợp trong THADS; hoàn thiện về trình tự, thủ tục THADS, nhất là thủ tục xử lý tài sản; hoàn thiện các trình tự, thủ tục riêng về thi hành các bản án kinh tế, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; vị trí, vai trò của Ban chỉ đạo Thi hành án, các cơ quan có liên quan… đều là những vấn đề quan trọng với những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, cụ thể.
Sau khi lắng nghe các tham luận, ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng của các đại biểu. Đồng thời khẳng định Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Luật THADS, làm cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ, đề nghị xây dựng Luật THADS sửa đổi theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng tới việc hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác THADS; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của bộ máy Nhà nước, trong đó có hoạt động THADS.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu kết luận Hội nghị. |
Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của toàn quốc; góp phần hướng tới mục tiêu hoàn thiện cơ chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, THAHC theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao tặng một số danh hiệu khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.
Một số hình ảnh: