Giới khoa học dường như đã bỏ sót tác động của hơi nước tầng bình lưu đối với nhiệt độ toàn cầu, phát hiện mới cho thấy nó là nguyên nhân khiến nhiệt độ trong 10 năm qua chênh lệch đáng kể so với hai thập kỉ trước đó.
Ảnh hưởng của hơi nước tầng bình lưu đối với nhiệt độ Trái đất đã không được chú ý nhiều. |
Các nhà nghiên cứu Mĩ vừa khám phá rằng lượng hơi nước cao trong khí quyển ảnh hưởng nhiều hơn đến nhiệt độ toàn cầu so với suy nghĩ trước đây.
Mặc dù phát hiện không làm thay đổi lí thuyết sự nóng lên toàn cầu là do con người nhưng nó giúp lí giải tại sao nhiệt độ có thể tăng và giảm một cách đáng kể giữa các thập kỉ.
Nghiên cứu, được đăng trên tờ báo Science, cho biết độ ẩm của không khí ở độ cao khoảng 10 dặm (tạm gọi là hơi nước tầng bình lưu) giảm đi 10% là nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu vẫn ổn định từ năm 2000 đến nay dù CO2 đã gia tăng nhiều trong khí quyển.
Trong khi đó, sự gia tăng của hơi nước những năm 80 và 90 cũng lí giải cho sự tăng vọt nhiệt độ của hai thập niên này.
Hơi nước từng được thừa nhận là khí gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng cũng như CH4 và CO2, nó hấp thụ nhiệt độ từ mặt trời khiến hành tinh “được đắp chăn”. Tuy nhiên, phần lớn việc dự đoán thời tiết chỉ tập trung vào hơi nước ở tầng đối lưu trong khí quyển.
TS Susan Solomon thuộc Cục Quản lí khí quyển và hải dương quốc gia Mĩ cho biết độ ẩm không khí tầng đối lưu đã được giám sát tốt. Thế nhưng chúng ta đã bỏ qua một lớp hơi nước mỏng ở tầng bình lưu. Lớp hơi nước này đã gây ra những ảnh hưởng lớn từ thập kỉ này sang thập kỉ khác theo hướng mà chúng ta không mong đợi.
Tầng bình lưu là vùng khí quyển ở độ cao từ 8–30 dặm so với bề mặt đất. Hơi nước đi vào tầng bình lưu chủ yếu khi không khí bốc lên cao ở vùng nhiệt đới.
Sự quan sát từ khí cầu khí tượng và vệ tinh cho thấy hơi nước tầng bình lưu tăng trong hai thập kỉ 80, 90 và giảm sau năm 2000.
Những thay đổi xảy ra ở những tầng cao trong khí quyển, đây chính là nơi những thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến khí hậu.
Các nhà khoa học cho biết lí do tại sao hơi nước tăng và giảm vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, nghiên cứu ước tính rằng sự tụt giảm hơi nước từ năm 2000 đã khiến nhiệt độ bề mặt chỉ tăng 25%, tức là chậm hơn so với dự tính.
Cũng theo các nhà khoa học, trong thập niên 1990, có thể chính hơi nước tầng bình lưu đã tăng tốc sự ấm lên toàn cầu thêm 30%.
David Britton thuộc Văn phòng MET cho biết nghiên cứu đã nhấn mạnh tính chất phức tạp của khoa học khí tượng nhưng nó không chống lại khoa học nền tảng rằng CO2 và các khí thải từ hoạt động của con người là nguyên nhân hâm nóng hành tinh.
TS Vicky Pope, người đứng đầu ngành khoa học khí tượng tại Văn phòng MET cũng khẳng định dù hơi nước tầng bình lưu có ảnh hưởng đến nhiệt độ Trái đất thì đó chỉ là một biến đổi nhỏ so với sự gia tăng lâu dài khí nhà kính do con người tạo ra.
Theo Vietnamnet