'Hồi sinh' những lễ hội niên đại nghìn năm của đất Kinh kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các lễ hội truyền thống có niên đại nghìn năm đất Kinh kỳ đã được phục dựng, tái hiện rất quy mô, góp phần làm cho "bức tranh lễ hội" ở Việt Nam trở nên phong phú và độc đáo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân và phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Lễ hội Chèo tàu. (Ảnh: internet)
Lễ hội Chèo tàu. (Ảnh: internet)

Ngược thế kỷ khám phá lễ hội xưa

Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội có 1.793 di sản, trong đó 1.206 lễ hội. Như vậy, có thể thấy tiềm năng lễ hội truyền thống của Hà Nội rất phong phú, hầu hết các di tích đều có lễ hội được tổ chức tại đó. Sở dĩ Thủ đô được ví như “cái nôi” văn hóa của cả nước bởi ở đây có nhiều lễ hội lớn, mang đậm văn hóa truyền thống của người Việt qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các lễ hội ở Hà Nội phải nhắc đến: Lễ hội Gióng, Lễ hội Cổ Loa, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Chùa Thầy, Lễ hội Làng Bát Tràng, Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh, Lễ hội Võng La, Lễ hội Tản Viên - Sơn Thánh…

Ngoài ra, những năm gần đây, có không ít lễ hội có niên đại ngàn năm đất Kinh kỳ tưởng như thất truyền đã được phục dựng, gìn giữ và phát huy. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phục dựng nghi lễ cung đình Thăng Long xưa. Nghi lễ Tiến Xuân ngưu, một nghi thức độc đáo trong cung đình xưa, diễn ra vào ngày lập xuân, với mong muốn xua tan giá rét mùa Đông, đón mùa Xuân mới và mùa màng bội thu, no ấm. Lễ Tiến Xuân ngưu được thể nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình, bao gồm các nghi thức diễn ra tại sân Điện Kính Thiên như: Rước Xuân ngưu, Tiến Xuân ngưu, Ban Xuân ngưu, Phép đả Xuân ngưu (Đánh trâu mùa Xuân).

Theo sử sách, để chuẩn bị cho sự kiện này, cứ đến tháng 11 hàng năm, Bộ công được triều đình giao nhiệm vụ làm một tượng trâu đất lớn, một tượng thần Câu Mang lớn cùng hơn nghìn tượng trâu đất và thần Câu Mang nhỏ, tô màu theo ngũ hành. Trong số đó, trâu đất mang ý nghĩa tiêu tan khí lạnh, còn thần Câu Mang là vị thần cai quản mùa Xuân. Sau khi tượng trâu đất và thần Câu Mang được hoàn thành, triều đình tổ chức tế thần mùa Xuân rồi đem chôn tượng thần Câu Mang ở nơi đất sạch, tổ chức lễ rước tượng trâu đất đến điện tiến Vua.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Ỷ Vân Hiên thể nghiệm nghi lễ cung đình lễ Tiến lịch tại Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình với hình thức sân khấu hóa. Nghi lễ bao gồm: Nghi thức các quan vào chầu; nghi thức quan Tư Thiên giám tiến ngự lịch; nghi thức quan Truyền chế đọc chế; nghi thức quan Lễ khoa ban quan lịch.

Chèo Tàu - một loại hình diễn xướng hầu Thánh ở Tổng Gối (Đan Phượng, Hà Nội) đã từng được lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới năm 2001. Tục truyền rằng, khi đánh giặc, Hai Bà Trưng cùng đoàn quân đã hành quân qua địa phận Tổng Gối (xã Tân Hội ngày nay). Sau này, để tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng, người dân Tân Hội mở hội tế lễ, hát múa diễn lại cảnh xưa với mô hình con tàu (thuyền) và con voi (tượng). Hội hát chèo tàu phát triển mạnh vào thế kỷ XVII, lời ca, điệu hát, nghệ thuật diễn xướng được hoàn thiện rực rỡ vào thế kỷ XIX. Nét độc đáo ở hội hát chèo tàu Tân Hội đó là thành viên tham gia đều là nữ. Trên mỗi con tàu đều có một bà Chúa tàu độ tuổi từ 50 đến 55, có thanh sắc, gia đình vẹn toàn và 12 cô gái tuổi 13 - 16 con nhà nền nếp làm Cái tàu, Con tàu. Đối xứng với tàu là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi loa tù và làm hiệu, hát đối.

Lễ hội hát chèo tàu bắt đầu từ ngày rằm và kết thúc vào 21 tháng Giêng. Trong suốt 7 ngày 7 đêm, dân các làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long của xã Tân Hội thay nhau hát. Mở đầu, các ca nhi sẽ “hát trình” các bài dâng hương, dâng rượu, nhớ ơn người đã ngã xuống vì đất nước. Sau đó là hát “trạo ca” (hát trên thuyền, hát chèo thuyền); hát “bỏ bộ” (hát đối đáp giữa tàu, tượng và người đến xem hội). Khi biểu diễn, Chúa tàu đánh thanh la, hai Cái tàu lĩnh xướng, 10 Con tàu hát họa theo.

Hội hát được tổ chức lần đầu vào năm 1683 và duy trì 25 năm một lần. Trăn trở về một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, môn nghệ thuật “có một không hai” đang bị mai một, năm 1998, những người tâm huyết với chèo tàu đã thành lập Câu lạc bộ hát chèo tàu Tổng Gối để sưu tầm và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cũng từ năm này, hội hát chèo tàu đã được địa phương khôi phục và cứ 5 năm được tổ chức quy mô lớn một lần.

Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội truyền thống tri ân công đức của Thánh Tản Viên diễn ra trên địa bàn huyện Ba Vì. Sau nhiều thời gian nghiên cứu, năm nay, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh phục dựng lại những nghi thức truyền thống bị mai một như: nghi thức rước kiệu dâng Thánh Mẫu, khôi phục trang phục lễ hội truyền thống. Lễ rước kiệu thực hiện từ đền Hạ sang đền Lăng Sương (nơi thờ Thánh Mẫu) qua cầu Đồng Quang (bắc qua sông Đà). Sau khi làm lễ, dâng hương Thánh Mẫu, đoàn rước sẽ rước trở lại đền Hạ. Lễ rước kéo dài từ 2 - 3 giờ do đền Lăng Sương giáp huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) với quãng đường khá xa. Lễ rước có đầy đủ nghi lễ như: Kiệu, đội múa lân, rồng, bát âm, chấp kích, bát bửu, chiêng, trống, đội tế nam, nữ… Bên cạnh các nghi lễ được khôi phục, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh duy trì nghi lễ rước nước sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ. Từ 0 giờ đến 4 giờ sáng 1/2, đoàn rước sẽ đi thuyền ra giữa sông Đà lấy nước về làm lễ. Đoàn rước gồm một nam, một nữ trẻ cùng các bô lão, nhân dân và đại diện chính quyền xã Minh Quang. Cùng với đó, lễ hội còn có nghi thức dâng hương tại di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ và các trò chơi dân gian…

Giữ bản sắc riêng của mỗi lễ hội

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đang đề xuất khôi phục nghi thức thiết lễ Đại triều, Lễ hội cung đình đèn Quảng Chiếu diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Lễ hội đèn Quảng Chiếu là một lễ hội cung đình có từ thời Lý và tiếp tục kéo dài tới thời Trần; có ý nghĩa đặc biệt lớn là cầu trường thọ, cầu quốc thái dân an. Lễ hội thường tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long vào những ngày đầu xuân. Triều đại nhà Lý, Trần rất sùng đạo Phật nên mục đích mở Hội đèn Quảng Chiếu của nhà vua tại Hoàng thành Thăng Long là để “quảng chiếu” ánh sáng từ bi, bác ái của đạo Phật cho muôn người.

Qua sự biến động của lịch sử, lễ hội đèn Quảng Chiếu đã bị mai một và tới nay tư liệu lưu truyền lại rất hiếm hoi. Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, việc phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu tại Hoàng thành Thăng Long là vấn đề cần thiết để đề cao giá trị văn hóa di sản. Nhưng việc phục dựng như thế nào để mang đậm nét truyền thống, hài hòa với tính thời đại đang được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa dày công sưu tầm.

Các nhà văn hóa, lịch sử đều mong muốn Lễ hội Quảng Chiếu không chỉ là lễ hội của Thủ đô Hà Nội mà được nâng lên tầm quốc gia để xứng đáng với vị trí của nó. Hình ảnh quốc gia, dân tộc gắn liền với Lễ hội Quảng Chiếu.

PGS Tống Trung Tín nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học kỳ vọng: “Đây sẽ là lễ hội lớn nhất Hà Nội, lớn nhất Việt Nam được người đứng đầu thành phố hoặc đất nước khai hội, thu hút khách tham quan của cả nước và thế giới”.

Lễ hội truyền thống, nơi chứa đựng không chỉ những di sản văn hoá đa dạng, phong phú của cha ông, mà còn luôn luôn thể hiện sự sáng tạo và phục hưng văn hoá của người dân các địa phương. Từ sau Hội nghị văn hoá toàn quốc tháng 11/2021 của Đảng và Nhà nước làm cho văn hoá càng được coi trọng hơn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn. GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định về công tác phục hưng lễ hội truyền thống của Hà Nội, việc ghi danh vào danh mục văn hoá phi vật thể hàng năm của quốc gia được đẩy mạnh từ phía các cơ quan quản lý nhà nước như: rối nước Đào Thục, di sản Mo Mường, lễ hội Cổ Loa… Tất cả những điều đó như một động lực thúc đẩy sự phục hưng của lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội.

Việc phục hồi toàn diện, tránh trùng lặp sẽ giúp Hà Nội tìm ra bản sắc riêng qua mỗi lễ hội. Lễ hội truyền thống luôn kèm theo các tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân địa phương, các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn... của riêng Hà Nội. Đó chính là những giá trị văn văn hoá đặc sắc để hấp dẫn và níu chân du khách ở lại Hà Nội. Đây cũng chính là nguồn lực tiềm tàng để Hà Nội có thể khai thác cho sự phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của Tổ quốc.