Hội tụ và tỏa sáng tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tôn vinh văn hóa dân tộc

Nhìn lại suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Phú Thọ là vùng đất thiêng, có ưu thế về địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa; là trung tâm của Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Nhìn lại suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Phú Thọ là vùng đất thiêng, có ưu thế về địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa; là trung tâm của Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, ở Phú Thọ, mỗi tên đất, tên làng đều gắn với các sự tích lịch sử, văn hóa thấm đẫm các giá trị nhân văn; từ đô thị Việt Trì, qua vùng đồng bằng Lâm Thao, đất giữa Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, ngược lên vùng núi Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Hạ Hòa… đâu đâu cũng có những di tích văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến thời đại Hùng Vương dựng nước. Những di tích và lễ hội này đã góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, trong đó có Hát Xoan đã được lập Hồ sơ trình Tổ chức Văn hóa - Giáo dục của Liên hiệp quốc công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Một trong các giá trị văn hóa dân gian còn lưu truyền đến ngày nay là truyền thuyết về Bọc trăm trứng, về Họ Hồng Bàng lý giải nguồn gốc và mối quan hệ dân tộc. Mỗi người Việt Nam, dù ở vùng núi cao hay miền duyên hải, dù là dân tộc Kinh hay các dân tộc thiểu số, đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng, đều là con dân đất Việt, đều lấy đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau làm lẽ sống, làm sức mạnh tinh thần trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Đồng bào Việt Nam có câu ca truyền đời, nhắc nhở các thế hệ con cháu Lạc Hồng luôn biết nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Đến ngày Giỗ Tổ, con cháu Lạc Hồng từ mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại hướng về Đền Hùng - Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt để tri ân, tưởng niệm các Vua Hùng có công mở nước, cầu mong “quốc thái dân an” và để hành hương về cội nguồn khám phá, thưởng ngoạn một vùng đất cổ đậm đặc truyền thuyết dân gian, lung linh sắc màu huyền thoại. Vượt lên những giá trị văn hóa, tâm linh, Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Chính tại Đền Hùng, cách đây 56 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời truyền bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Theo hiệu triệu của Bác, toàn dân tộc đoàn kết chiến đấu và chiến thắng, làm nên sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thực hiện lời dạy “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước trong mấy nghìn năm lịch sử của ông cha, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn đồng tâm hiệp lực khắc phục khó khăn, trở ngại, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Trong năm 2009 vừa qua, nhìn một cách tổng thể, kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực, đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.

Năm 2010 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ khóa 16, cho nên những chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà nghị quyết đề ra phải phấn đấu hoàn thành. Cụ thể có 3 nhóm chỉ tiêu quan trọng, đó là: Về kinh tế: Tốc độ tăng GDP phải đạt 10,5-11% để có bình quân đầu người 15 triệu đồng (tương đương 630 USD); giá trị sản xuất các ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4-4,5%, công nghiệp tăng 15,5-16,5%, dịch vụ tăng 15% trở lên; Tổng thu ngân sách Nhà nước từ 1.300-1.400 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư xã hội từ 7.500-8.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 300-320 triệu USD; Cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp 24,5-25%, công nghiệp xây dựng 39-40%, dịch vụ 35,5-36%. Có 4 chỉ tiêu chủ yếu về xã hội trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,2% còn dưới 10% và giải quyết việc làm cho 19,5 ngàn người… Về môi trường: Tỷ lệ hộ dùng nước sạch 85%, độ che phủ rừng đạt trên 49%, số cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý đạt 40%.

Để đạt được những chỉ tiêu đó, tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa 16 đã thống nhất nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đề ra 7 nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách và các giải pháp, biện pháp điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành theo Nghị quyết 30 của Chính phủ; Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, duy trì tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò đột phá trong phát triển kinh tế; Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; Phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, sự nghiệp y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình; Đẩy mạnh cải cách tổng thể hành chính, thực hiện quy chế dân chủ, nâng cao năng lực điều hành chính quyền các cấp; Củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có kết quả các mục tiêu, giải pháp đó, Phú Thọ sẽ tạo bước phát triển mới về kinh tế- xã hội, làm cho diện mạo đất Tổ Hùng Vương thêm khởi sắc như mong đợi của đồng bào cả nước.

Đặc biệt, cũng trong năm 2010, lần đầu tiên Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trên quy mô cả nước và tại Đền Hùng được tổ chức với nghi thức Quốc lễ (thành lập Ban tô chức cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ là đồng Trưởng ban) có sự tham gia của một số tỉnh, thành phố theo “Đề án tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm và đóng góp nguồn lực trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng” đã được Chính phủ phê duyệt.

Điểm mới trong tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 là quy mô của các hoạt động cả phần lễ và phần hội, không gian tổ chức lễ hội trải dài từ Đền Hùng đến Bạch Hạc và nhiều địa phương vùng ven Khu di tích. Thêm vào đó, Ngày hội văn hóa- thể thao- du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 7 do tỉnh Phú Thọ đăng cai tổ chức sẽ gắn các hoạt động này với chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng thành một chương trình phong phú, thống nhất, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với việc tiếp tục tôn tạo cảnh quan, di tích và các cơ sở vật chất tại Khu di tích Đền Hùng, qua Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tiến hành việc xây dựng Hồ sơ về tín ngưỡng tâm linh, lễ hội Đền Hùng và không gian Văn hóa Hùng Vương để UNESCO xét công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Trong tương lai, Đền Hùng không chỉ là “chốn đi về” của con cháu Lạc Hồng, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp, già trẻ, gái trai, chính kiến; sống trong nước hay ở nước ngoài mà còn là điểm đến của nhân loại.

Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước. Cả nước hướng về Đền Hùng. Trống hội Đền Hùng và Ngày hội Văn hóa - thể thao - du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã điểm. Ngày Giỗ Tổ đã đến.  Phú Thọ mở lòng đón đồng bào cả nước, dang tay chào đón bạn bè quốc tế về đất Tổ Hùng Vương - Đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

                                                                                                                            

 Nguyễn Doãn Khánh

                                                                                                                   

   Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Đọc thêm