Phần 2: Detroit được hình thành như thế nào?
Detroit, thủ phủ của quận Wayne, tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ ngày nay vẫn được biết đến với cái tên thân mật Motor City hay Motown. Nhưng ít ai biết rằng, Detroit trở thành trung tâm của ngành công nghiệp ôtô thế giới không phải nhờ vào sức mạnh lịch sử, nguồn tài nguyên hay vị trí địa lý, mà nhờ những con người đặc biệt đã đến đây trong những năm đầu hình thành.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1901, khi hai nhà đầu tư của Detroit, Henry B. Joy và người anh rể, Truman Newberry đến New York tham dự triển lãm ôtô thường niên New York Auto Show. Rất ấn tượng với những chiếc xe tại đây, họ đã quyết định bỏ vốn kinh doanh ôtô và tìm cách mua một công ty sản xuất xe hơi.
Tuy nhiên, ở Detroit lúc đó chỉ có duy nhất một nhà sản xuất xe mang tên Oldsmobile và ông chủ Ransom E. Olds lại hoàn toàn không có ý định bán. Joy nghe đồn về Locomobile, một chiếc xe chạy bằng động cơ hơi nước sang trọng mà nhiều người dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai, ông đã cùng anh rể đi xem. Trong lúc đang lái thử, máy đo áp suất của Locomobile đột nhiên nổ tung khiến giấc mộng sản xuất xe động cơ hơi nước của hai anh em bị dập tắt.
Cũng trong năm 1901 ấy đã có một sự kiện quan trọng. Đó là một giếng dầu có tên “Spindletop” được phát hiện tại Beaumont, Texas khiến sản lượng xăng dầu của Mỹ tăng lên gấp đôi, tạo nên một cơn sốt nhiên liệu giá rẻ.
Nhận thấy tiềm năng của loại nhiên liệu này, Joy chuyển hướng chú ý đến động cơ đốt trong chạy bằng xăng và thực sự ấn tượng với Packard, chiếc xe được chế tạo ở Warren, Ohio bởi James W. Packard. Joy quyết tâm mua bằng được Packard và chuyển công ty này về quê hương của mình ở Detroit. Ông ủy quyền cho một kiến trúc sư trẻ tên là Albert Kahn xây dựng một nhà máy nằm trên đại lộ East Grand. Dù sau này Kahn đã thiết kế nhiều nhà máy ôtô lớn trên thế giới, nhưng đây là nhà máy đầu tiên với một nửa thế kỷ cho ra lò những chiếc xe sang trọng, chất lượng cao.
Tuy vậy, Packard vẫn không phải là nhà máy sản xuất ôtô hàng loạt đầu tiên được xây dựng ở Detroit. Nhà máy đầu tiên được xây dựng năm 1900 bởi Ransom E. Olds, một thiên tài trong lĩnh vực ô tô đến từ Lansing. Nhà máy của Olds nằm ở vùng East Jefferson, gần cầu Belle Isle, đã tạo ra được 11 mẫu xe thí điểm. Trong số đó, có một chiếc xe bốn bánh nhỏ, trang bị động cơ bốn kỳ, xy-lanh đơn, dẫn động bằng xích và bảng đồng hồ hình bán nguyệt lạ mắt. Chiếc xe này chẳng khác gì một xe ngựa kéo, ngoại trừ thiết kế phần trước uốn cong độc đáo nên được gọi là Curved Dash Olds. Mặc dù các nhà thiết kế rất thích Curved Dash Olds nhưng quyết định không sản xuất mà chỉ xem nó như một “thứ đồ chơi” hay “vật lấy may”.
|
Curved Dash Olds |
Đến tháng 3/1901, một vụ cháy lớn đã thiêu hủy toàn bộ các mẫu xe của Olds và thứ duy nhất còn sót lại là Curved Dash Olds. Olds nhanh chóng quyết định gây dựng lại công ty và dồn hết nguồn lực vào chiếc xe này. Đây là một quyết định quan trọng vì nó đã giúp cho Olds Motor trở thành nhà sản xuất xe nhỏ, giá rẻ bán chạy nhất trên thị trường Mỹ một thời.
Nhưng có điều gây ngạc nhiên nhất là nhờ vụ hỏa hoạn trên mà mọi người biết đến chiếc xe này nhiều hơn. Yêu cầu giải đáp và đơn đặt hàng được gửi đến tới tấp, thậm chí một số đơn đặt hàng còn kèm theo tiền đặt cọc.
Cuối mùa hè năm đó, Olds nhận được rất nhiều đơn đặt hàng đến nỗi ông phải tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà cung cấp động cơ bên ngoài. Ông tìm đến Henry M. Leland, ông chủ cửa hàng máy móc tốt nhất ở Midwest - Leland và Faulconer Co,. đặt sản xuất 2000 động cơ. Đây là đơn đặt hàng lớn đầu tiên của một nhà sản xuất ôtô dành cho một nhà cung cấp bên ngoài.
Tiếp theo đó, Olds đặt thêm 2000 bộ truyền động từ một xưởng sản xuất phụ tùng ôtô nhỏ hơn của John & Horace Dodge và tuyên bố vào năm sau sẽ sản xuất, tiêu thụ 4000 chiếc xe, tương đương với tổng sản lượng ôtô ở Mỹ một năm trước đó.
Với mong muốn tạo ra những chiếc xe giá rẻ phổ biến trên thị trường, Olds lên kế hoạch sản xuất xe hàng loạt chứ không làm thủ công như một số nhà sản xuất của châu Âu và New England. Tuy nhiên, phải mất vài năm sau, Henry Ford mới thực hiện được điều này dựa trên nền tảng do Ransom E.Olds thiết lập.
Vào thời đó, một trong những phương cách mà các nhà sản xuất ôtô marketing cho sản phẩm của mình là thực hiện chuyến hành trình trên chiếc xe của họ. Chưa ai từng lái xe từ Detroit tới New York (khoảng cách 1046km), do vậy, Olds đã ủy thác cho một cộng sự trẻ tên Roy D. Chapin lái chiếc Curved Dash Olds tới New York tham dự triển lãm New York Auto Show diễn ra vào ngày 2/11/1901.
Chapin rời Detroit vào ngày 29/10/1901, một ngày sau đó anh đã đi được 447 km, qua Ontario đến Niagara Falls. Suốt một tuần liền đương đầu với khó khăn như vượt qua một đoạn đường dài đầy bùn đất trong thời tiết mưa tuyết, mất một ngày sửa chữa và thay mới bộ truyền động, Chapin đã lái chiếc xe đến đích trước sự ngạc nhiên của nhiều người và cả Olds. Tính đến thời điểm đó, Roy Chapin, sau này là ông chủ của công ty ôtô Hudson Motor, đã hoàn thành chuyến đi bằng xe hơi dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
|
Henry M. Leland |
Trong tất cả những nhân vật có nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển của kinh đô ôtô nước Mỹ, có lẽ Henry Leland là vị anh hùng ít được nhắc đến nhất. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những cống hiến của ông đối với ngành công nghiệp xe hơi nước này.
Leland là người đã cải tiến động cơ cho Olds bằng cách thiết kế lại các lỗ thông của van, tăng khả năng nén của động cơ nhưng Olds từ chối. Bởi vậy, đến năm 1902, Leland mang động cơ đó đến cuộc họp các nhà quản lý của công ty Henry Ford Co. Sau một bài giới thiệu ngắn của Leland, ban giám đốc công ty đã thực sự hài lòng và nhanh chóng quyết định sản xuất một chiếc xe sử dụng động cơ tiên tiến này.
Dù có công lớn nhưng chiếc xe không được đặt tên Leland. Theo gợi ý của ông, nó được đặt tên của nhà thám hiểm người Pháp đã sáng lập thành phố Detroit, Antoine de la Mothe Cadillac. Với động cơ 1 xy-lanh nhỏ gọn, chiếc Cadillac mới ngay lập tức gây được ấn tượng mạnh và thành công vang dội trên thị trường.
Leland sau đó đã bán Cadillac cho GM và giữ chức giám đốc điều hành Cadillac. Một thời gian sau, ông rời khỏi vị trí này vì bất đồng quan điểm với các nhà lãnh đạo khác về chất lượng xe và vai trò của tập đoàn trong thế chiến thứ I. Leland thành lập một công ty khác sản xuất động cơ máy bay chiến đấu và sau này lại chuyển sang sản xuất ôtô. Chiếc ôtô mới của ông mang tên người anh hùng mà ông ngưỡng mộ từ lâu, Lincoln. Và ngay từ khi ra đời, Lincoln đã trở thành đối thủ “nặng kí” của Cadillac và Packard trong thị trường xe hạng sang. Không lâu sau đó, Leland lại bán Lincoln cho Ford.
Hơn 100 năm qua, trải qua bao thăng trầm, thành phố này vẫn không ngừng phát triển và luôn giữ vững vị trí là trái tim của ngành công nghiệp ôtô thế giới.