Hồi ức khó quên của nữ phát thanh bản tin giải phóng Đà Nẵng

(PLO) - Trong dòng chảy ký ức bà Anh Trang, giây phút trước đứng trước micro của Đài phát thanh giải phóng Khu V, để phát đi bản tin đầu tiên mừng giải phóng TP. Đà Nẵng (29/3/1972) luôn là dấu ấn khó quên. 
Phóng viên chiến trường Anh Trang, người đọc bản tin đầu tiên ngày giải phóng Đà Nẵng
Phóng viên chiến trường Anh Trang, người đọc bản tin đầu tiên ngày giải phóng Đà Nẵng

41 năm trôi qua, hạnh phúc của nữ phát thanh viên Nguyễn Thị Anh Trang là chỉ cần cùng con cháu ôn kỷ niệm…

Tuổi trẻ lăn lộn chiến trường 

Bà Anh Trang sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Năm 1954, Anh Trang vinh dự nằm trong diện học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, học tập ở Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học sư phạm, bà Trang về làm hiệu trưởng trường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội).

Năm 1968, thời điểm vỹ tuyến 17 ác liệt nhất, Trang nhận nhiệm vụ vào chiến trường ở phía đông Trường Sơn. “Lúc đi, đứa con gái đầu lòng vừa lên 4 tuổi. Nhớ con nhưng quê hương chưa giải phóng, mình phải hi sinh hạnh phúc riêng tư”, bà Trang trải lòng.

Năm 1972, chiến thắng Đường 9-Nam Lào vang dội, bà được về thăm gia đình. Tháng 8/1973, bà tiếp tục có mặt trong đoàn phóng viên Đài phát thanh giải phóng từ Hà Nội vào Khu V. Nhớ lại, bà Trang tự hào, chiến trường Khu V ngày đó ác liệt vô cùng. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. Phong trào “Một tấc không đi, một li không rời” được thực hiện. Phóng viên chiến trường như bà cũng gian khổ không kém. Đối mặt kẻ thù, với hòn tên mũi đạn mà vẫn phải đưa tin, viết bài phản ánh, thông tin kịp thời các yêu cầu được giao. 

“Thời ấy, ra trận sống chết không toan tính. Đi cứ đi, cái chết có thể ở ngay trước mắt, nhưng nhiệm vụ vẫn đặt lên hàng đầu. Có lúc, đang tác nghiệp trên đường, nghe một tiếng tách, nằm xuống giấu mình nín thở, khi mở mắt ra mới biết đã tránh được đạn thù. Thế là còn sống.

Những hôm nghe đài kể chuyện đêm khuya, lặng người nhớ con, nhưng lại tự dặn lòng mình vì đại cuộc. Rồi đêm đêm cùng đồng đội ngồi trên đỉnh Hòn Tàu nhìn về Đà Nẵng, khát khao trông đợi ngày mình đặt chân đến thành phố này”, bà Trang nói

Suốt thời gian lăn lộn với chiến trường, mỗi ngày sống trong lòng dân, mỗi lần dấn sâu vào lòng địch, đều để lại trong bà một kỉ niệm khó quên. Bà Trang nhớ như in, vào năm 1974, khi đó, nữ phóng viên Anh Trang cùng đội du kích xã, ông Lê Công Kính, Bí thư xã Sơn Thắng (nay xã Quế An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) và các cán bộ binh vận khu V vượt qua 5 chốt địch, bám trụ suốt hai ngày đêm, chiến đấu để đưa 400 người dân về vùng giải phóng an toàn.

Một tay bà dẫn hai đứa trẻ và một cụ già mù lòa băng đồng, lội suối về vùng giải phóng, một tay làm tròn nhiệm vụ của người phóng viên chiến trường. Và bài viết “Chiến thắng khu dồn gò cây Cốc” của bà được phát trên sóng phát thanh giải phóng liên tục 5 ngày; được phục vụ hội nghị nổi dậy toàn Khu V… 

Tuy nhiên, trong dòng chảy kí ức nghề, dấu ấn cuộc đời của bà chính là lần nhận nhiệm vụ tiếp quản Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam-Đà Nẵng, sau ngày giải phóng. Bà Trang kể, ngày 26/3/1975, bà vừa viết xong bài “Tiên Phước (Quảng Nam) hoàn toàn giải phóng”, bất ngờ nhận lệnh về Đà Nẵng gấp. Bà được giao nhiệm vụ cùng 2 anh đồng nghiệp tiếp quản và làm chương trình phát thanh đầu tiên sau giải phóng Đà Nẵng. Chiều 29/3/1975, bà đến nơi...

Hồi ức nghề khó quên

“Lạ lắm, bước chân tôi bước đi mà thấy lòng thênh thang một cảm giác vui sướng. Tôi hạnh phúc vô cùng khi giao đọc bản tin đầu tiên, báo tin Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Tiếng nói của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, phát lúc 11h ngày 31/3/1975 với tần sóng 50kw. Cả thủ đô Hà Nội và khu vực Đông Nam Á đều nghe được.

Hàng triệu trái tim Việt Nam mong chờ ngày giải phóng cùng reo vui. Khoảnh khắc ấy không có gì đánh đổi được. Đó là niềm vui, niềm tự hào, là giây phút người thân có thể về lại với người thân, là những người con xa lâu ngày có thể trở về với mùi đồng đất quê hương…”, bà Trang gói lại cảm xúc của mình.

Bà Trang kể thêm, ngày Đà Nẵng giải phóng, bà vinh dự nhận tấm giấy có chữ kí của cấp chỉ huy với dòng chữ nhỏ ghi kèm “Được đón con vào” và đi máy bay khứ hồi Đà Nẵng- Hà Nội. Chính đứa con gái đầu là sợi dây kết nối yêu thương khi hai vợ chồng bà kẻ Nam người Bắc phục vụ cách mạng. “Với tôi đó là phần thưởng quý giá hơn bất cứ điều gì khác. Bao nhiêu năm xa cách, tôi được ôm đứa con thơ trọn đêm, để nghe hơi thở con đều đều”, bà Trang xúc động.

Tròn 41 năm sau giải phóng, bà kể, trong một lần chăm người chồng bị ốm ở Bệnh viện C Đà Nẵng, một thương binh cùng phòng nhận ra giọng bà, đã xúc động nói: “Chị có phải phát thanh viên Anh Trang không? Lúc tui đang điều trị ở bệnh viện Quân đội ở Thủ đô, tôi nghe chị đọc bản tin giải phóng quê hương. Bốn chục năm rồi, tui vẫn nhớ như in chất giọng trầm ấm đã đem đến cho anh em niềm vui sướng nghẹn lòng”. Với bà Anh Trang, câu nói của người thương binh như một liều thuốc tinh thần dành tặng tuổi xế chiều.

Bà tự nhận, trong ngày kỷ niệm 41 năm giải phóng TP. Đà Nẵng này, bà vẫn còn ngồi đây cùng con cháu ôn kỷ niệm là may mắn hơn nhiều đồng đội; được sống, được trở về chứng kiến quê hương đất nước đổi mới. Hạnh phúc cũng chỉ cần như thế.

Đọc thêm