Hollywood ghi nhận điện ảnh Việt Nam

Cuối tuần này, những khán giả yêu phim Việt Nam tại Mỹ sẽ có cơ hội thưởng thức các bộ phim của Việt Nam. Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) - được biết đến nhiều thông qua giải Oscar - đã phối hợp với Viện Tư liệu phim và truyền hình UCLA tổ chức một Tuần lễ phim Việt Nam kéo dài từ ngày 5 đến 14-11, mang tên “New Voices from Vietnam” - tạm dịch “Những tiếng nói mới từ Việt Nam” gồm nhiều thể loại khác nhau như phim truyện, phim tài liệu và phim ngắn của Việt Nam. Đây là một phần của hoạt động vẫn đang tiếp tục của Chương trình Quốc tế tiếp cận cộng đồng của AMPAS trong nỗ lực giao lưu giáo dục và văn hóa tại Việt Nam.

Cuối tuần này, những khán giả yêu phim Việt Nam tại Mỹ sẽ có cơ hội thưởng thức các bộ phim của Việt Nam. Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) - được biết đến nhiều thông qua giải Oscar - đã phối hợp với Viện Tư liệu phim và truyền hình UCLA tổ chức một Tuần lễ phim Việt Nam kéo dài từ ngày 5 đến 14-11, mang tên “New Voices from Vietnam” - tạm dịch “Những tiếng nói mới từ Việt Nam” gồm nhiều thể loại khác nhau như phim truyện, phim tài liệu và phim ngắn của Việt Nam. Đây là một phần của hoạt động vẫn đang tiếp tục của Chương trình Quốc tế tiếp cận cộng đồng của AMPAS trong nỗ lực giao lưu giáo dục và văn hóa tại Việt Nam.

Mô tả ảnh.
Trung tâm Nghiên cứu điện ảnh Pickford trực thuộc AMPAS.
Nhân dịp này, AMPAS cũng dự kiến sẽ tổ chức một buổi lễ ghi nhận những đóng góp đối với điện ảnh Việt Nam của đạo diễn Đặng Nhật Minh vào ngày 10-11 tới đây. Buổi lễ sẽ được tổ chức vào 7 giờ 30 tối tại Nhà hát Samuel Goldwyn của Viện ở Beverly Hills với sự chủ tọa của ông Phil Robinson, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ và là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế tiếp cận cộng đồng của Viện.

Bộ phim “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh sẽ được chiếu giới thiệu trong loạt phim được công chiếu sau buổi lễ này. Cuộc trao đổi, trò chuyện trên sân khấu với đạo diễn Đặng Nhật Minh sẽ là một hình thức công nhận và ca ngợi, đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu với giới điện ảnh Mỹ những thành quả trong toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của nhà đạo diễn dày kinh nghiệm này.
Một số bộ phim của các nhà làm phim trẻ của Việt Nam cũng được ra mắt khán giả và giới điện ảnh Mỹ trong dịp này bao gồm “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di, “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Bẫy rồng” của đạo diễn Lê Thanh Sơn, và phim “Cú và chim se sẻ” của đạo diễn mang hai dòng máu Việt - Mỹ Stephane Gauger.

Mô tả ảnh.
Một cảnh trong phim “Mùa ổi” - bộ phim được chiếu giới thiệu tại Mỹ sau buổi lễ ghi nhận những đóng góp đối với điện ảnh Việt Nam của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài với các bộ phim như “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Thương nhớ đồng quê” và gần đây là bộ phim “Đừng đốt” từ nhật ký của một bác sĩ trẻ miền Bắc hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trong cuộc trò chuyện với BBC, ông Michael DiGregorio, từng là cán bộ chương trình của Quỹ Ford tại Việt Nam, cũng là người giúp điều phối với Viện Hàn lâm tổ chức hoạt động này cho biết, AMPAS đã có một số chương trình tại Việt Nam trong hơn 4 năm qua và từ đó đã hiểu biết thêm nhiều về điện ảnh và giới điện ảnh nước này, do vậy muốn giới thiệu về điện ảnh Việt Nam tại Mỹ, bằng cách giới thiệu một số nhà làm phim mới và trẻ.
Ông Michael DiGregorio nói: Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ cảm thấy rằng, không thể chỉ làm như vậy vì các nhà làm phim trẻ đều đã học được từ thế hệ những người đi trước nhiều kinh nghiệm hơn. Và họ cho rằng, Đặng Nhật Minh chính là một ví dụ xuất sắc nhất trong lĩnh vực đạo diễn phim của Việt Nam để giới thiệu với người xem tại Mỹ trên cương vị một người thầy từ thế hệ làm phim đó.

Bộ phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh từng được nhiều khán giả Mỹ biết đến khi được trình chiếu tại nhiều trường đại học ở Mỹ như các trường Đại học Brown, New York, Washington, Harvard, Yale, Princeton, Cornell, George Mason... Đây là phim dựa trên tập nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một cô gái Hà Nội tham gia trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vào năm 2005, 35 năm sau khi cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm được một người lính Mỹ tìm thấy, nó đã được trao lại cho người thân trong gia đình chị. Vào năm 2007, cuốn nhật ký được dịch sang tiếng Anh và được Nhà Xuất bản Random House xuất bản với tiêu đề “Last Night I Dreamed of Peace” - Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình. Không ít khán giả tại Mỹ sau khi xem bộ phim này đều nhận xét: “Buồn, hay và buồn”. Thông qua bộ phim này, những bạn trẻ Mỹ hiểu thêm tâm tư của những phụ nữ Việt Nam ngày đó và cảm thấy như phần nào có trách nhiệm hơn.

Bên cạnh đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhiều đạo diễn Việt Nam cũng được khán giả nước ngoài biết đến. Trong đó phải kể đến bộ phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đã từng được đề cử giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất năm 1994.

GIA HUY

Đọc thêm