Trước đó, VKSND Hà Nội đối đáp với các quan điểm bào chữa của luật sư trong vụ án.
Hậu quả vụ án là vấn đề được nhiều LS đưa ra tranh luận, cho rằng thực tế không có thiệt hại, vì đến cuối cùng, quyền sử dụng đất dự án vẫn chưa trao cho ai, tỉnh Lâm Đồng vẫn đang quản lý sử dụng.
VKS đánh giá, hành vi trái pháp luật của các bị cáo dẫn đến việc Nguyễn Cao Trí được gia hạn thực hiện dự án mà đáng lẽ đã bị thu hồi, trả Nhà nước. Ông Trí sau đó sử dụng pháp nhân Cty để bán cho Cty Thiên Vương và thu lợi trái luật hơn 27.000 tỷ đồng. "Từ hành vi của bị cáo Trí, đã tha hóa chính bị cáo; tha hóa nhiều bị cáo giữ chức vụ trong cơ quan quản lý Nhà nước, từ Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng... Rõ ràng hậu quả về công tác cán bộ là cực kỳ đau xót", đại diện VKSND Hà Nội nêu quan điểm.
Theo VKS, hành vi của bị cáo Trí là tiền đề để người khác phạm tội nên toàn bộ bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
Hậu quả của vụ án được VKS xác định là "toàn bộ dự án của Nhà nước bị giao không đúng quy định cho doanh nghiệp của bị cáo Trí, sau đó lại được bán với số tiền 27.600 tỷ đồng. Đó là chưa bao gồm hết các thiệt hại vật chất và phi vật chất với dự án, những thiệt hại không thể định giá được. Vì thế, VKS không xác định thiệt hại chỉ là 27.600 tỷ đồng”.
VKS dẫn chứng, ông Trí cũng khai mới được Cty Thiên Vương thanh toán 2.700 tỷ đồng (gần 10% giá trị hợp đồng), song tiền này không bao gồm toàn bộ dự án. "Bị cáo khai còn giữ lại cho mình rất nhiều đất để phát triển các dự án y tế, giáo dục... Đấy là bị cáo nói thế còn có phát triển được không thì chưa có căn cứ nào khẳng định được", VKS nêu quan điểm.
Trong phần bào chữa, luật sư nêu nhiều về hoàn cảnh phạm tội, nói ông Trí “tâm huyết, đam mê với dự án do có ý nghĩa lớn với quê hương”. Song quan điểm này bị VKS phản đối: "Riêng với bị cáo Trí, VKS khẳng định làm dự án không phải vì đam mê". Bị cáo biết rõ dự án bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi, nhưng vẫn bàn bạc trao đổi thảo thuận đề nghị cựu phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh (đã chết), đề nghị giúp đỡ để thay đổi nội dung kiến nghị trong kết luận thanh tra. Khi được ông Minh đồng ý, bị cáo mới quay lại đàm phán mua lại dự án từ chủ đầu tư cũ.
"Nhưng đàm phán chưa xong, chưa đủ cơ sở bán dự án, bị cáo đã bán. Bị cáo làm gì có quyền sở hữu hay chuyển nhượng dự án mà bán, vậy dựa vào đâu để nói làm dự án vì mục đích tốt đẹp, đam mê, đem lại lợi ích cho quê hương?", VKS đối đáp.
VKS nêu quan điểm không quan tâm đến năng lực Cty của ông Trí mà chỉ đánh giá hành vi của bị cáo với dự án là trái luật. Ông Trí bán dự án được 2.700 tỷ đồng, trong khi dự án đáng phải thu hồi. Đó là căn cứ xác định số tiền này là thu lợi bất chính, VKS kiến nghị thu hồi, dù ông Trí trước đó xin giữ lại vì “đây là giao dịch ngay tình giữa hai Cty, bị cáo không được hưởng một đồng".
Trước việc một số LS cũng so sánh vụ án này với các sai phạm khác, hoặc so sánh mức án đề nghị giữa các bị cáo trong cùng vụ án này. VKS cho rằng mỗi vụ án có bối cảnh, thiệt hại, tính chất khác nhau, "không có lý do gì để so sánh như thế".
VKS đánh giá đây là vụ án điển hình sai phạm trong hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, có sự cấu kết giữa các cá nhân trong và ngoài cơ quan quản lý Nhà nước.
Cơ quan công tố khẳng định trước khi đưa ra quan điểm luận tội và mức án đề nghị đã xem xét tổng thể vụ án, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, động cơ, bối cảnh phạm tội và đưa ra mức án "giảm đặc biệt" dưới khung hình phạt.
VKS dẫn chứng khung hình phạt với tội Nhận hối lộ tới 20 năm, chung thân, tử hình, song thực tế VKS chỉ đề nghị mức 2-8 năm tù cho 6 bị cáo.
Tội Đưa hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng có khung án rất cao (15 - 20 năm) nhưng các bị cáo bị truy tố tội này cũng chỉ bị VKS đề nghị án bằng thời gian tạm giam và đến 3 năm tù. Ông Mai Tiến Dũng cũng được đề nghị chỉ 24 - 30 tháng tù án treo.
Với phân tích trên, VKS khẳng định "đã rất nghiêm túc đánh giá" để đưa ra mức án "hết sức nhân văn và phù hợp".