Trước đó, ở phần xét hỏi và tranh luận, nhiều tình tiết vi phạm tố tụng, nội dung được nêu ra nhưng VKS không đối đáp triệt để. Các luật sư nêu 5 vấn đề. Thứ nhất là vi phạm về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử; vì tài sản thế chấp tại BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn (đóng ở TP HCM). Thứ hai sai về tội danh vì hành vi của các bị cáo thực hiện từ 2012 – 2015, bị phát hiện sau 1/1/2018, phải áp dụng Điều 165 BLHS 1999; nhưng trong vụ này cơ quan tố tụng lại áp dụng Điều 219 BLHS 2015.
Vấn đề thứ ba là một vụ án có lợi cho các bị cáo thì cơ quan tố tụng Bình Dương lại tách ra. Đó là vụ “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, liên quan đến cụ Hiệp (người bán đất cho ông Khanh, hiện đã qua đời”. Bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, con gái cụ Hiệp) không ủy quyền cho mẹ đưa 9,7ha đất của bà thế chấp cho bất cứ khoản vay nào. Nhưng trong hồ sơ vụ án lại có giấy ủy quyền của bà Hảo cho mẹ, nên sự việc có dấu hiệu giả chữ ký. Theo các luật sư, nếu có việc giả chữ ký, thì toàn bộ thiệt hại này do cụ Hiệp và người xét duyệt cho vay phải gánh.
Vấn đề thứ tư là kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá (Sở Tài chính Bình Dương) là cơ sở xác định thiệt hại vụ án có dấu hiệu vô nguyên tắc. Kết luận định giá cao gấp 26 lần trong các giao dịch thực tế (mua bán có công chứng) và gấp 3 – 4 lần giá đất tỉnh Bình Dương quy định. Các phiếu khảo sát không hề có các hợp đồng giao dịch kèm theo. Một số phiếu khảo sát không có thật. Ví dụ bà Phan Thị Thùy Trang không được khảo sát nhưng vẫn có tên. Bà Trang bán 1.000 m2 đất mặt tiền giá 900 triệu đồng nhưng phiếu khảo sát ghi 4,5 tỷ.
Vấn đề thứ năm là người mua tài sản như ông Khanh có phải là “đồng phạm giúp sức” hay không? Chứng cứ duy nhất VKS cáo buộc ông Khanh “câu kết” ngân hàng, cụ Hiệp để bị truy tố là “đồng phạm giúp sức” là hợp đồng ba bên ký vào ngày 16/12/2012. Luật sư phản bác, cho rằng văn bản này chỉ là thủ tục để người mua tin tưởng rằng tài sản hợp pháp, có quyền mua bán, chứ không “câu kết” gì.
Một điều đáng lưu ý, ngoài vụ án này, theo kết luận điều tra, ông Khanh còn bị cho là đã “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. CQĐT cho rằng trên diện tích đất 18,1ha đất mà ông Khanh mua, có tài sản trên đất cụ Hiệp không chuyển nhượng cho ông Khanh.
CQĐT cho rằng “ngày 25/5/2015 cụ Hiệp ký biên bản bàn giao tài sản gồm “toàn bộ tài sản là vật kiến trúc có trên những thửa đất …”. Ông Khanh thay vợ ký nhận và tự ý sửa chữa “là” thành “và”. Theo CQĐT, việc chỉnh sửa này làm mở rộng tài sản được giao nhằm chiếm đoạt số tài sản còn lại của cụ Hiệp.
Đến 14/3/2016, người con trai thay mặt cụ Hiệp đến nhận tài sản thì ông Khanh bị cho là không cho lấy 39 cánh cửa. Ngoài ra, ông Khanh còn cho một người tủ lạnh, bàn gỗ, 3 kệ để giày dép bằng gỗ, tám ghế gỗ.
Kết luận điều tra cho rằng ông Khanh “có hành vi gian dối là sửa biên bản bàn giao và chuyển dịch trái phép tài sản cụ Hiệp thành tài sản của mình”. Kết luận như trên nhưng ông Khanh chưa bị khởi tố bị can. Đến ngày 12/3/2019, CQĐT ra quyết tạm định đình chỉ vụ án. Khi có kết luận định giá, CQĐT đã phục hồi vụ án nhưng vẫn không khởi tố bị can.
LS Nguyễn Thị Minh Nhân (người bào chữa cho ông Khanh), cho hay trong biên bản bàn giao nêu rất cụ thể tài sản được giao: Biệt thự, nhà xưởng, nhà mát, nhà bảo vệ, nhà công nhân, căng tin, nhà ăn… “Có ai giao nhà mà đòi lại cửa hay không? Nếu có tranh chấp việc giao tài sản thì đó là vấn đề dân sự”, LS Nhân cho hay những tài sản mà ông Khanh bị cho là “chiếm đoạt”, đã bị Công an TX Bến Cát đến tháo và chở đi đâu không rõ.
Như PLVN đã phản ánh, trước khi bị bắt, ông Khanh bị cơ quan chức năng đánh giá “có biểu hiện mất đoàn kết”, “bằng mặt, không bằng lòng” với ông Trương Tấn Dũng (hiện là Trưởng phòng tại Công an Bình Dương; nguyên Trưởng Công an Bến Cát, nguyên Chủ tịch UBND Bến Cát).