“ĐTV đặt câu hỏi với ý đồ để có lời khai nhằm buộc ông Khanh một tội nào đó?”
Ở ngày thứ nhất, thẩm vấn đối với ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và một phần đối với Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, nguyên cán bộ Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn).
Tóm tắt nội dung khai báo của ông Hùng và ông Lộc là phản bác nhiều vấn đề mà cáo trạng quy kết. Cụ thể, các lần ông Khanh mua tài sản thế chấp của cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945, chết năm 2016, Giám đốc Công ty An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây) đều được cụ Hiệp có đơn đề nghị. Từ đơn đề nghị đó, ngân hàng thẩm định, xem xét giá cả, quy trình và đồng ý. Sau đó, tài sản được giải chấp và ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng. Cả hai bị cáo đều khẳng định không bàn bạc với cụ Hiệp và ông Khanh, không hưởng lợi từ việc xử lý tài sản thế chấp của cụ Hiệp.
Ngày thứ 2, bị cáo Lộc tiếp tục khai, năm 2012, quy định của pháp luật về quy trình xử lý tài sản thế chấp khi có nợ xấu rất sơ sài. Khi nhận được đề nghị của cụ Hiệp về việc được bán một phần tài sản thế chấp là 5,2ha với giá 2 tỷ đồng, bị cáo Lộc có xuống địa bàn tiến hành khảo sát giá thực tế. “Bị cáo thu thập nhiều thông tin về mua bán các thửa đất. Thông tin người nào, họ tên, địa chỉ, bán giá bao nhiêu. Bị cáo thấy giá 2 tỷ đồng mà cụ Hiệp đưa ra phù hợp với giá đất thị trường thời điểm đó nên đồng ý. Bị cáo làm tờ trình, chấp nhận đề nghị của cụ Hiệp”. Theo lời bị cáo Lộc thì bị cáo Hùng có đi thẩm định lại tại địa bàn xã An Tây và đúng giá như tờ trình.
Đại diện VKS hỏi: “Tại sao hợp đồng công chứng mua bán 5,2ha là 2 tỷ đồng nhưng hợp đồng 3 bên (có trước khi công chứng) lại có giá 3,4 tỷ đồng?”. Bị cáo Lộc trả lời: “Theo bị cáo biết thì ông Khanh muốn mua toàn bộ đất của cụ Hiệp nhưng cụ Hiệp không đồng ý. Và nếu đúng giá 2 tỷ đồng thì cụ Hiệp không bán. Việc bị cáo ký tên vào hợp đồng 3 bên có giá 3,4 tỷ đồng là do thời điểm đó cụ Hiệp và ông Khanh mới quen nhau, chưa tin tưởng. Cụ Hiệp sợ nếu ký hợp đồng công chứng 2 tỷ đồng, số còn lại nói miệng nếu ông Khanh “lật kèo” thì không biết kêu ai. Bị cáo ký tên trên đó là để làm chứng”, bị cáo Lộc trả lời.
Bị cáo Lộc khai bị cáo Hùng biết có sự chênh lệch này, bản thân bị cáo Lộc biết nhưng vẫn chấp nhận vì cụ Hiệp cần tiền để sinh hoạt, chi trả các khoản như điện nước, lương công nhân, nợ bên ngoài… Bị cáo thừa nhận việc để cho hai bên thanh toán ngoài 1,4 tỷ đồng là sai.
Còn 3 lần khác, bị cáo Lộc khai thủ tục đều được tiến hành như sau: Cụ Hiệp có tờ trình xin bán, giá cả do cụ Hiệp và bên mua thương lượng. Ngân hàng khảo sát, xem xét mức giá có phù hợp hay không rồi mới chấp nhận, lập tờ trình trình cho bị cáo Hùng ký. Các thỏa thuận 3 bên sau này, giá bằng đúng với giá mua bán công chứng và ngân hàng thu đủ tiền. Bị cáo Lộc khai không rõ cụ Hiệp với ông Khanh có thỏa thuận ngoài gì hay không?
“Chỉ có cụ Hiệp mới có quyền liên hệ với ngân hàng. Ông Khanh không có quyền; không tham gia quá trình thủ tục chấp nhận mua bán của ngân hàng”, bị cáo Lộc khai.
Khi được công bố các bút lục lời khai tại cơ quan điều tra, có một số điểm khác với lời khai của bị cáo tại tòa, bị cáo Lộc giải thích: “Những gì khai tại tòa là đúng sự thật, chi tiết từng tình tiết. Một số tình tiết chưa đúng là do điều tra viên ghi không đúng. Khi nhận được kết luận điều tra, bị cáo có khiếu nại những điểm không đúng. Một thời gian sau, điều tra viên hỏi lại những điều đó. Do bị tạm giam, bị cáo không nhớ đã từng khiếu nại chưa đúng nên lại trả lời”, lời bị cáo Lộc.
Bị cáo Lộc nói rằng nhận thấy điều tra viên hỏi những câu hỏi không rõ ràng, khó hiểu để bị cáo trả lời và sử dụng những trả lời đó để buộc ông Khanh một tội nào đó?
HĐXX bỏ qua ông Khanh, thẩm vấn bị cáo Luân thuộc nhóm tội danh khác không liên quan đến ông Khanh |
Nhiều vi phạm tố tụng
Bị cáo Lộc tiếp tục khai rằng càng về sau, thủ tục để cụ Hiệp bán tài sản thế chấp càng chặt chẽ vì có quy định cụ thể của pháp luật. Cả ba lần sau, năm 2013, 2015 đều tiến hành kiểm tra giá, đăng báo. Việc ký kết hợp đồng mua bán giữa bà Phương Anh (vợ ông Khanh) đều có mặt của ngân hàng mà cụ thể là bị cáo Lộc.
Tiếp tục làm rõ về những vi phạm tố tụng, bị cáo Lộc nói mình có bảng quy trình xử lý, thẩm quyền về thu hồi nợ. Bị cáo nói đã khai báo và yêu cầu cơ quan điều tra thu thập nhưng không được chấp nhận. Tại phiên tòa, bị cáo Lộc tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) thu thập để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Bị cáo khai bị chuyển trại liên tục từ trại giam Bến Lớn về trại giam công an tỉnh, rồi về trại giam ở Tân Uyên. Điều kiện tạm giam rất khắc nghiệt, bị áp lực. Bị cáo nhiều lần muốn ý kiến nhưng không ai hỗ trợ, không biết có quyền được khiếu nại. Khi được tống đạt kết luận điều tra, cáo trạng, bị cáo chỉ có 1 tiếng để đọc hiểu và ý kiến. Bị cáo bị hối thúc đọc nhanh và ký vào dù cáo trạng dài 17 trang, kết luận điều tra dài hơn 45 trang, trong thời gian ngắn bị cáo không thể đọc hiểu hết được. Bị cáo nói có ý kiến thì được trả lời để ra tòa tranh luận?!
Dù kết quả định giá có từ ngày 14/9/2018 nhưng mãi đến ngày 27/10/2019 mới có thông báo đến bị cáo. Bị cáo Lộc nói không biết quy định trong 7 ngày được quyền ý kiến, được quyền đề nghị định giá lại. Bị cáo nói không đồng ý với định giá của Hội đồng định giá (Sở Tài chính Bình Dương) và đề nghị HĐXX xem xét lại.
Vẫn lời bị cáo Lộc, cụ Hiệp vay nợ ở ngoài rất nhiều, bị đòi nợ ráo riết và bị bệnh nặng. Bị cáo báo cáo tình hình và những rủi ro nếu không thu hồi nợ sớm, không xử lý tài sản thế chấp kịp thời. Đó là áp lực bị cáo Lộc phải chịu trong quá trình xử lý nợ.
Dấu hiệu cố dồn toàn bộ trách nhiệm cho ông Khanh
Theo các luật sư, điều lạ thường là dù bị cho là giúp sức cho hai cán bộ ngân hàng phạm tội, nhưng sau 2 ngày xét xử, ông Khanh vẫn chưa được xét hỏi để thẩm tra lại lời khai với bị cáo Hùng và bị cáo Lộc có đúng hay không.
HĐXX tiến hành xét hỏi với bị cáo Nguyễn Thành Luân (SN 1980, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai TX Bến Cát) và bị cáo Nguyễn Minh Tâm (SN 1977, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã An Tây, TX Bến Cát). Hai bị cáo bị truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - một vụ án xảy ra sau khi việc mua bán giữa ông Khanh và cụ Hiệp mới xảy ra. Trong vụ án này, các bị cáo bị cáo buộc đã làm mất của bà Hảo là 1.700 m2. Nhưng do đất bà Hảo đang thế chấp nên việc mất đất này dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Dù vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, cáo trạng xác định ông Khanh không liên quan nhưng khi thẩm vấn bị cáo Luân và bị cáo Tâm, câu đầu tiên mà VKS hỏi là “Bị cáo có mối quan hệ gì với bị cáo Khanh hay không”?
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Tôi thấy như thế là không khách quan, không đúng trình tự xét xử. Không hiểu tại sao VKS lại hỏi điều đó. Tôi sẽ có ý kiến về vấn đề này”. Phải chăng tất cả mọi câu hỏi, mọi cuộc thẩm vấn đang cố dồn toàn bộ trách nhiệm cho ông Khanh? Đó là hồ nghi của nhiều người theo dõi phiên tòa.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.