Xét xử cựu Bí thư Thị xã Bến Cát: BIDV xin miễn giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo nguyên là cán bộ của Ngân hàng

(PLVN) - Đại diện BIDV nói: “Trong việc xử lý tài sản của cụ Hiệp, các anh ấy không có động cơ vụ lợi, không hưởng bất cứ lợi ích nào. Nếu có quyền xin miễn trách nhiệm hình sự thì BIDV xin miễn để các anh có thể cống hiến cho xã hội”.
Đại diện BIDV khẳng định việc các bên tự mua bán đất trong vụ này là đúng quy định pháp luật
Đại diện BIDV khẳng định việc các bên tự mua bán đất trong vụ này là đúng quy định pháp luật

Ngân hàng: “Cho phép cụ Hiệp bán đất là đúng”

Dù dự kiến kéo dài 4 ngày nhưng phiên xử sơ thẩm ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương) bị cáo buộc giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sẽ phải kéo dài.

Hôm qua (12/12), ngày thứ 4 làm việc, Hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn đại diện BIDV, nhân chứng và người có liên quan.

Tại tòa, đại diện BIDV nói tài sản mà cá nhân, tổ chức thế chấp, bảo đảm thế chấp tại ngân hàng vẫn thuộc quyền sở hữu cá nhân, tổ chức đó. Khi khách không trả nợ, ngân hàng mới thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm, thế chấp. Khởi kiện là một trong những biện pháp đó.

Mặc dù có bản án nhưng nếu Ngân hàng và khách thỏa thuận được phương thức xử lý thì cũng được. Vì nếu bán phát mãi dễ xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Một luật sư hỏi: “Căn cứ buộc tội của VKS là khoản 1 Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm: “Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của các bên; nếu không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định pháp luật”. Kết hợp với các điều khoản trong hợp đồng tín chấp thì phương thức xử lý cho cụ Hiệp tự bán tài sản có đúng hay không, có xem là sự thỏa thuận hay không”?

BIDV nói phương thức để cụ Hiệp tự bán tài sản là đúng với hợp đồng tín chấp. Việc BIDV đồng ý cho cụ Hiệp bán được xem là sự thỏa thuận theo đúng khoản 1 Điều 58 Nghị định 163. “Nghĩa là không cần phát mãi?”. “Đúng”, đại diện BIDV đáp.

BIDV xác nhận khi cụ Hiệp đưa ra giá mua bán với ông Khanh, BIDV có đi kiểm tra thực tế, có đăng báo hoặc tìm hiểu giá mua bán trên mạng ở các thửa đất khu vực xã An Tây.

“Công tác ngân hàng thu hồi nợ xấu, tài sản bảo đảm của chúng tôi rất nhạy cảm, chịu nhiều áp lực. Thời điểm đó, anh Hùng về làm Giám đốc Chi nhánh thì nợ xấu rất nhiều, chịu áp lực lớn. Hội sở lại giao cho người đứng đầu chi nhánh trách nhiệm xử lý nợ xấu. Trách nhiệm của Giám đốc Chi nhánh trong xử lý nợ xấu rất lớn”, đại diện BIDV nói.

Giải thích về lập quỹ dự phòng rủi ro, đại diện BIDV khẳng định tiền lập quỹ là tiền kinh doanh, được trích ra sau khi tính toán thu - chi. Quỹ dự phòng có hai loại, quỹ dự phòng cụ thể từng khoản nợ và quỹ dự phòng chung. Bất cứ khoản vay tín chấp nào cũng đều được lập quỹ dự phòng.

Nếu có nợ xấu thì trích quỹ dự phòng để giải quyết. Trường hợp cụ thể trong vụ án này, trích quỹ dự phòng trước, sau đó mới xử lý tài sản thế chấp, bảo đảm thế chấp. Tiền thu được từ xử lý tài sản thế chấp sẽ đưa vào doanh thu.

Việc sử dụng quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu thuộc quyền của Giám đốc Chi nhánh. Còn việc đưa nợ xấu ra sau khi đã dùng quỹ dự phòng để chi trả thì hội sở chính mới có quyền đưa ra ngoại bảng.

Đại diện BIDV nói không có quy định nào bắt buộc khi xử lý tài sản thế chấp, bảo đảm thế chấp thì phải bằng với số tiền nợ khách đang nợ. Thường chỉ thu được 40 - 50%, thu lại được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.

“Về nguyên tắc, khi xử lý tài sản bảo đảm, trừ đi các chi phí phát sinh, số tiền thu được bao nhiêu thì sử dụng để trả nợ cho ngân hàng”, đại diện BIDV nói,  “Trong việc xử lý tài sản của cụ Hiệp, các anh ấy không có động cơ vụ lợi, không hưởng bất cứ lợi ích nào. Nếu có quyền xin miễn trách nhiệm hình sự thì BIDV xin miễn để các anh có thể cống hiến cho xã hội”.

Diễn biến phiên tòa cho thấy cựu Bí thư TX Bến Cát bị oan sai
Diễn biến phiên tòa cho thấy cựu Bí thư TX Bến Cát bị oan sai 

Dấu hiệu cơ quan chức năng “thổi giá” khi định giá đất  

Tại tòa, có hai nhân chứng xác nhận giá đất mua bán 700 triệu/ha thời điểm 2012 là không rẻ. Đây là cơ sở để xác định rằng không có chuyện ông Khanh hay cán bộ ngân hàng o ép cụ Hiệp bán đất giá rẻ.

Trước khi người làm chứng có tên Nguyễn Thị Luyến phát biểu, Luật sư Quynh đề nghị HĐXX xem xét không thẩm vấn công khai, không khai báo thân nhân bà Luyến để bảo đảm an toàn, bí mật cho người làm chứng. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị này vì cho rằng không có chứng cứ cho thấy bà Luyến bị đe dọa, mất an toàn.

Bà Luyến khai báo đang sống ở TP HCM và nói: “Thông qua báo chí, tôi biết được vụ án của ông Khanh. Tôi không biết việc ông Khanh mua bán với cụ Hiệp thế nào nhưng tôi biết rất rõ khu đất cụ Hiệp. Tôi thấy định giá 1ha có giá thấp nhất từ 1,6 tỷ đồng là quá cao nên bức xúc ra làm chứng”.

Theo bà Luyến, khoảng tháng 4/2012, bà muốn mua xưởng sản xuất nên được “cò đất” dẫn vào nhà cụ Hiệp. Cụ Hiệp nói muốn bán khu đất rộng 20ha. Giá bán 650 triệu đồng/ha, bà Luyến trả 580 triệu đồng/ha. Đầu tiên, cụ Hiệp không đồng ý nhưng sau đó chấp nhận giá 580 triệu.

“Cụ Hiệp dẫn tôi đi xem đất. Tôi yêu cầu xem sổ đỏ thì biết đất này đang thế chấp ngân hàng. Cụ Hiệp hẹn tôi ngày hôm sau lên ngân hàng xem sổ đỏ. Do tôi bận nên không lên được nhưng sau đó có vào nhà cụ Hiệp xem sổ photocopy. Khu đất có 5 - 6 sổ đỏ gì đó”, bà Luyến kể.

Tuy nhiên, sau đó bà Luyến không mua nữa vì cụ Hiệp yêu cầu lên ngân hàng trả tiền lấy sổ ra mới bán. Còn có lý do đất rộng 20ha nhưng cụ Hiệp muốn bán từ trong ra ngoài sẽ không có đường đi. Hơn nữa, cụ Hiệp bán đất nhưng không bán nhà xưởng, trong khi nhu cầu của bà Luyến là cần nhà xưởng để sản xuất.

Nhân chứng thứ hai, ông Nguyễn Hữu Trọng (SN 1970, ngụ TX Tân Uyên, Bình Dương) là “cò đất” dẫn ông Khanh đến mua đất cụ Hiệp. Ông Trọng khai: “Tôi biết ông Khanh vì là “cò đất” hay làm giấy tờ, ra vào cơ quan ở TX Bến Cát. Năm 2012, tôi không nhớ tháng nhưng vào mùa khô, tôi đến BIDV giao dịch thì biết được thông tin cụ Hiệp muốn bán khu đất ở xã An Tây giá 580 triệu đồng/ha. Tôi chạy vào xem”.

“Một lần ở quán ăn, tôi gặp nhóm người, trong đó có ông Khanh. Do quen biết nên tôi nói: “Ở An Tây có miếng đất bán 580 triệu đồng/ha là rẻ. Ai muốn mua thì vào mua, không là tui mua”. Một hay hai tuần sau, ông Khanh điện cho tôi hỏi: “Bữa nghe em nói có người muốn bán miếng đất ở An Tây, em mua chưa? Nếu chưa mua thì để anh xem”, ông Trọng kể.

Ông Trọng chở ông Khanh vào nhà cụ Hiệp. Trên đường đi, ông Trọng nói với ông Khanh là cụ Hiệp bán đất nhưng không chấp nhận trả tiền “cò”. Nếu ông Khanh mua được thì phải trả tiền “cò đất” 200 triệu đồng, không chấp nhận thì không dẫn vào gặp. Ông Khanh chấp nhận và nói “chuyện thương lượng giá sao, cứ để cho anh”.

“Cụ Hiệp dẫn đi xem đất và nói giá 700 triệu đồng thì tôi phản ứng “sao nghe nói 580 triệu giờ lên 700”. Cụ Hiệp nói giá đó từ lâu rồi. Ông Khanh và cụ Hiệp thỏa thuận giá cả thế nào tôi không biết vì lúc đó tôi đi ra ngoài. Sau đó, ông Khanh đưa tôi 200 triệu tiền “cò” như đã thỏa thuận. Có một lần tôi cho ông Khanh mượn tiền đưa cho cụ Hiệp vì ông Khanh không có ở nhà”, ông Trọng kể.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thẩm vấn nhân chứng vì bức xúc mà xin ra làm chứng giá đất cụ Hiệp bán thời điểm 2012
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thẩm vấn nhân chứng vì bức xúc mà xin ra làm chứng giá đất cụ Hiệp bán thời điểm 2012 

Trước những diễn biến này của vụ án, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói: “Qua bốn ngày thẩm vấn, tôi cho rằng ông Lộc, ông Hùng, ông Khanh đã oan sai. Cáo trạng cho rằng ông Lộc, ông Hùng không đấu giá tài sản đảm bảo thế chấp là gây thất thoát tài sản nhà nước. Nhưng ngân hàng khẳng định “không cần đấu giá”, tài sản thế chấp vẫn là tài sản cá nhân; quy trình xử lý tài sản đảm bảo thế chấp, đảm bảo thế chấp của ông Hùng và ông Lộc là đúng. Các nhân chứng nói giá mua bán của ông Khanh với cụ Hiệp là đúng thực tế. Dấu hiệu oan sai đã rất rõ ràng”. 

Dự kiến ngày hôm nay, phiên xử sẽ tiếp tục.

Đọc thêm