Hôm nay, khai mạc Hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”

(PLVN) - Hôm nay – 13/7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp cho biết, qua 06 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân nhân văn, ít tốn kém và hiệu quả bền vững. 

Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp. 

Đồng thời, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thông qua hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Công tác hòa giải ở cơ sở cũng thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội. 

Có được kết quả trên là nhờ vào nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể nói hoạt động hòa giải ở cơ sở đã có sự gắn kết với công tác dân vận. Hòa giải viên ở cơ sở là người gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân, trong quá trình hòa giải họ không chỉ dùng uy tín, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân. 

Kết quả hòa giải thành ở cơ sở không có kẻ thắng, người thua mà hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, không để tranh chấp bùng phát thành điểm nóng. Bởi thế, việc sử dụng kỹ năng “dân vận khéo” là rất cần thiết để đạt được hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nắm được “bí quyết” này, nhiều hòa giải viên ở cơ sở đã quan niệm mình là sợi dây kết nối giữa Đảng với người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, Bộ Tư pháp tham mưu cần thực hiện tốt những giải pháp sau: Xác định hòa giải ở cơ sở là một hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp, thực sự có hiệu quả tại cơ sở.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải ở cơ sở, coi đây là phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó coi hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại. 

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật.

Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” được ban hành theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ…

Đọc thêm

Báo điện tử Pháp luật Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 303/GP-BTTTT ngày 8/7/2015

Cơ quan chủ quản: Bộ Tư pháp

Tổng biên tập: Tiến sĩ Vũ Hoài Nam

Phó Tổng biên tập: Hà Ánh Bình, Trần Ngọc Hà, Vũ Hồng Thúy

Trưởng ban điện tử: Nguyễn Đức Trường

Tòa soạn: Số 42/29 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội

E-mail: baodientuphapluat@gmail.com

Hotline: 0904 868 118

Liên hệ quảng cáo: 0904 868 118