Hơn 150 người Anh ốm bị chết vì... đói khát trong bệnh viện

Theo các số liệu vừa được chính phủ Anh công bố, trong năm 2011 có đến 43 bệnh nhân bị bỏ đói cho đến chết và 111 người tử vong vì khát trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Theo các số liệu vừa được chính phủ Anh công bố, trong năm 2011 có đến 43 bệnh nhân bị bỏ đói cho đến chết và 111 người tử vong vì khát trong quá trình điều trị tại bệnh viện. 

Hàng trăm bệnh nhân đã tử vong một cách oan uổng. Ảnh: Telegraph
Hàng trăm bệnh nhân đã tử vong một cách oan uổng. Ảnh: Telegraph
Các con số nói trên được tiết lộ trong bối cảnh ngày càng có những lo ngại về sức khỏe của các bệnh nhân ở Anh. Những số liệu đó cũng là lời cảnh báo đến cơ quan y tế, đòi hỏi họ phải có các hành động thiết thực để ngăn chặn việc có thêm những trường hợp bệnh nhân tử vong dù trên lý thuyết họ đang được chăm sóc tử tế. 
Cụ thể, theo số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia (ONS), trong năm 2011 đã có 43 người chết đói, 287 người trong tình trạng suy dinh dưỡng khi tử vong tại bệnh viện. Các bác sỹ cũng đã ghi nhận 558 trường hợp bệnh nhân tử vong trong tình trạng mất nước trầm trọng. 78 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện và 39 bệnh nhân được chăm sóc tại nhà đã thiệt mạng vì chứng lở loét do nằm quá lâu trên giường bệnh. Ngoài ra, còn có 21.696 bệnh nhân được ghi nhận đã bị nhiễm trùng huyết khi tử vong, cho thấy các họ đã không được vệ sinh vết thương cẩn thận. 
Các số liệu nói trên được công bố sau một loạt các bê bối về tình trạng chăm sóc sức khỏe người già. Giám đốc điều hành Hiệp hội bệnh nhân Anh Katherine Murphy nói rằng những con số này phản ánh tình trạng tồi tệ và đáng xấu hổ đối với nước Anh ở thế kỷ 21. “Đó là những người mẹ, người cha, người ông, người bà. Việc mất đi một người thân đã là mất mát quá lớn nhưng việc phát hiện họ đã chết vì không được cho ăn, uống thật sự là một nỗi đau khó có thể vượt qua”, bà Murphy nói. 
Những con số này được đưa ra khi một cuộc điều tra toàn diện đối với Bệnh viện Stafford – nơi hàng nghìn bệnh nhân đã tử vong vì những thiếu sót trong khâu chăm sóc của nhân viên y tế – đang chuẩn bị công bố kết quả cùng một số kế hoạch cải tổ để ngăn chặn những vụ bê bối tương tự. Ngoài ra, một loạt các vụ bê bối về tình trạng chăm sóc sức khỏe người già cũng đã được ghi nhận, dẫn tới việc Thủ tướng Anh David Cameron hồi đầu năm đã phải can thiệp, yêu cầu các y tá chú trọng hơn đến sức khỏe người bệnh.
Theo một cuộc điều tra của cơ quan giám sát y tế Anh thực hiện năm 2011, rất nhiều bệnh nhân đã bị bỏ đói, không tắm rửa hoặc thậm chí bị đưa nhầm thuốc do những sơ suất của các nhân viên y tế. Một báo cáo do trường Đại học Y Royal công bố hồi tuần trước cũng đưa ra thông tin gây sốc: có quá nhiều bệnh viện điều trị bỏ qua những nhu cầu cơ bản nhất của bệnh nhân, điều trị cho họ như thể đó không phải là con người. Ủy ban chất lượng chăm sóc ghi nhận một trường hợp một cụ già nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nhưng phải đến 16 ngày sau mới được xem xét lại. Một số y tá được cho là đã vứt bỏ đồ ăn của những bệnh nhân quá ốm yếu nên không thể xúc ăn trong nhiều bữa liền. 
Trong một trường hợp cụ thể, hồi tháng 7 vừa qua, cầu thủ bóng đá 22 tuổi Kane Gorny tử vong vì mất nước chỉ 3 ngày sau khi được tiếp nhận vào một bệnh viện đầu ngành của Anh. Theo kết quả điều tra của cảnh sát, bệnh nhân này đã may mắn sống sót sau một cuộc phẫu thuật tách khối u não ác tính hồi năm 2008 nhưng hoạt động của tuyến yên đã bị ảnh hưởng nặng nề, khiến cho anh có thể tử vong nếu thiếu nước. Vậy mà, các nhân viên y tế đã phớt lờ nhắc nhở của bệnh nhân và bản thân người bệnh.
Trước khi qua đời, bệnh nhân đã gọi điện cho cảnh sát để thông báo rằng anh ta quá khát và nói rằng anh không thể xin các nhân viên y tế cấp cho nước uống. Nhưng, khi cảnh sát có mặt tại giường bệnh của Gorny, các y tá lại nói rằng bệnh nhân đã nói lung tung và anh ta đã được chuyển đi nơi khác. Kết quả là, cầu thủ bóng đá 22 tuổi này đã chết vì mất nước chỉ vài giờ sau đó.
Minh Ngọc (theo Telegraph)

Đọc thêm