Hơn 30 năm đứng viết

Một người làm thơ, viết báo mà lúc nào cũng phải đứng thẳng, không thể ngồi bởi từ cổ đến đầu gối các khớp xương đều cứng đơ.
Một người làm thơ, viết báo mà lúc nào cũng phải đứng thẳng, không thể ngồi bởi từ cổ đến đầu gối các khớp xương đều cứng đơ.

Người hơn ba mươi năm đứng viết

Người hơn 30 năm đứng viết
Ở làng Trắp, xã Quỳnh Lập huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An này, người dân vẫn coi ông Thứ là nhà thơ của làng. Một ngôi làng đến 90% dân số sống bằng nghề đánh cá ở biển lại nảy ra một người làm thơ. Một bông hoa giữa biển nước và cát trắng. Họ tự hào sung sướng lắm. Nên khi ông đi đâu, người làng gặp đều “chào nhà thơ”. Những lúc đó ông chỉ cười, bởi ông đâu có tự nhận như vậy dù nhiều năm qua ông sinh hoạt ở Hội Văn học Nghệ An.

Giới thiệu về cái “góc” của mình, ông Thứ rất hăng hái. Ở đó là những cuốn sách quý, những chồng báo, những tập bản thảo cũ mới được ông gìn giữ cẩn thận. Đó cũng là nơi mà ông đứng viết. Trước đây, khi chưa xây dựng được ngôi nhà khang trang như bây giờ, ông Thứ cũng đứng viết trong ngôi nhà chật ních luôn dột vào mỗi ngày mưa.

Chuyện làm thơ, viết báo đối với những người bình thường chẳng phải dễ dàng gì, đằng này hơn ba mươi năm qua, ông Thứ đứng viết bằng một thân thể tật nguyền, lặng lẽ âm thầm. Trương Quang Thứ chỉ tay vào góc nhà và giới thiệu: “Tôi viết được trong mọi hoàn cảnh. Nếu có bàn, tôi đứng tỳ vào và viết, hoặc cứ đứng và tỳ giấy lên tường, hoặc chỉ cần chồng mấy cái tải hàng như thế này lên là viết. Cũng may ông trời cho tôi cái duyên với thơ, nên tôi sống được với nghề để chẳng phải mang tiếng ăn bám vợ”.

Hiện nay, ông Thứ là cộng tác viên ruột của báo Phụ nữ Việt Nam, báo Nghệ An, tạp chí Thế giới trong ta, báo Thiếu niên tiền phong, Đài Tiếng nói Việt Nam…Ông có nhiều thơ đăng báo từ xưa ở báo Tiền phong, Văn nghệ, Mực tím… Dù không phải là một người được đào tạo cơ bản, một “dân” viết chuyên nghiệp, nhưng ông đã tạo cho mình cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Khi tôi hỏi tại sao ông lại đến với nghiệp viết.

Trương Quang Thứ trả lời rằng, ngay từ ngày học cấp I ông đã thích thơ văn và có thơ đăng báo. “Gia đình tôi ngày đó ai cũng quý sách như vàng. Bản thân tôi nếu một ngày không đọc một bài thơ thì thấy thiếu thốn lắm. Tôi cũng là học sinh giỏi tỉnh môn văn, nên sau khi bị liệt tôi nắm lấy thế mạnh của mình là làm thơ làm báo. Tôi thu thập thông tin theo cách của riêng mình và may mắn được các tòa báo chấp nhận”.

Đứng viết sẽ chẳng thoải mái chút nào cho những người làm việc cần tư duy, cái cổ lại chẳng thể nào lúc lắc cử động. Khắc phục điều đó, Trương Quang Thứ cố gắng quên đi là mình đang đứng. Đôi chân ông cứ coi như là cái chân ghế giúp ông ngồi vững để tiếp xúc với bản thảo bằng một khoảng cách vừa đủ. Ông tập trung cao độ suy nghĩ và con chữ chảy ra từ ngòi bút. Chữ ông viết đặc biệt đẹp như hoa. Dù đều chép tay nhưng các biên tập viên các tòa báo vẫn chấp nhận vì bản thảo ông gửi đến rất dễ đọc và gây hứng thú cho mỗi ai biên tập bài.

Từ năm 1972 khi bị cứng khớp đến nay, Trương Quang Thứ đã có 3 tập thơ in riêng, 3 tập in chung và hàng trăm bài báo đã in. Ông cũng gặt hái được một số giải thưởng: Giải nhì Hội Văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh 1991; giải 3 báo Nhi đồng năm 1994; giải B báo Nghệ An năm 1996; giải B tạp chí Sông Lam 1996; giải khuyến khích báo Thiếu niên tiền phong năm 2000... “Ông thẳng” Trương Quang Thứ đặc biệt viết nhiều thơ thiếu nhi, bởi theo ông tất cả mỗi con người đều phải trải qua thời gian trẻ thơ và khi trưởng thành, những biểu hiện của trẻ nhỏ vẫn tồn tại.

Hơn nữa, ở quê ông vùng biển, trẻ em thiệt thòi và trước đây chẳng được bố mẹ chú ý cho đi học. Các em luôn phải sớm làm lụng, mưu sinh và sớm mất đi tuổi thần tiên đẹp đẽ. Làm thơ và tư duy thơ cho thiếu nhi, Trương Quang Thứ muốn trả lại một phần tuổi thơ bị khuyết cho những em nhỏ, mà giờ đây nhiều thanh niên muốn mua một tấm vé quay về tuổi thơ mà không được nữa.

Vợ chồng nhà thơ Trương Quang Thứ
Nỗi đau phải chịu vẫn còn có thơ.


Trương Quang Thứ sinh năm 1951 trong một gia đình nông dân nghèo có tới 11 anh chị em nhưng đã hy sinh một và ba người khác chết vì bạo bệnh. Khi đi học, cậu bé Thứ luôn là học sinh giỏi toàn diện. Tương lai của Thứ sẽ vô cùng rộng mở nếu không có một ngày, mảnh bom găm vào chân.

Ông Thứ bùi ngùi nhớ lại: “Năm 1972, trong một trận oanh tạc của không lực Mỹ, tôi bị một mảnh bom găm vào chân khi đang đi sản xuất. Độ đó thuốc thang ít, lại chẳng kiêng khem được. Vết thương nhiễm trùng rồi sinh ra bệnh khớp và biến chứng. Từ chân bị đau đến cột sống bị liệt. Lúc đó tôi đang độ hai mươi, đầy mơ ước nhưng coi như bị cắt đứt hy vọng”

Khi đó, gia đình đưa Thứ đi chữa trị khắp các bệnh viện nhưng tiền mất tật mang. Thứ vẫn nằm bất động. Suốt 3 năm liệt giường, Thứ nghĩ cuộc đời đã khép cửa lại với mình. Nhiều lần nghĩ quẩn chàng đã nghĩ đến cái chết. Thế rồi, một ngày sau cơn mưa nhìn qua cửa sổ, Thứ bỗng thấy ngoài kia đời còn đẹp lắm.

Vốn có tính lãng mạn, nhìn ra ngoài bầu trời cơn mưa, lá non trổ đầy cành và chim líu lo hót. Thứ thấy khung cảnh đẹp quá và làm thơ. Lại là những vần thơ cho trẻ nhỏ: “Quả ngủ ở trên cây/ Cá ngủ ngay dưới nước/ Nắng ngủ trong mặt trời/ Mưa ngủ mây sũng ướt… Cây xấu hổ lạ thiệt/ Ai động vào ngủ ngay/ Đồng hồ bận đêm ngày/ Báo thời gian không ngủ”

Thứ cũng làm thơ về những cảm quan cuộc đời, những nỗi đau, tình yêu và niềm lạc quan. Thơ của Trương Quang Thứ xuất hiện liên tục, điều đó là nguồn động viên để chàng thi sĩ có thể tự tin sống tiếp. Các biên tập viên thấy thơ hay nên in, không hề biết tác giả của nó là một người đã bị tật nguyền.

Nhiều lần họ mời Thứ đến giao lưu, nhưng chàng đều từ chối. Hàng xóm của Thứ thấy chàng gầy gò, tiều tụy, tưởng sẽ không qua được. Nhưng một ngày, lại thấy Thứ tự tin, cầm đến giấy bút. Rồi lại thấy báo người ta gửi biếu và nhuận bút. Sau này họ mới biết Thứ đã vịn thơ đứng dậy.

Tạm biệt ông để về Hà Nội, tôi vẫn ám ảnh bởi một người viết đức bằng nghị lực phi thường và một con tim đầy khát khao, lạc quan. Tôi biết, ông sẽ lại làm thơ để mang lại niềm vui cho gia đình, cho những người dân một nắng hai sương, cho các em nhỏ và cả dòng chảy thi ca của đất nước đang cuồn cuộn như sóng vỗ.
Diên Khánh


Đọc thêm