Từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng GDP bình quân của ngành du lịch đạt 18,1%/năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế bình quân chung của thành phố. Ngành du lịch đóng góp khoảng 2,8% tổng sản phẩm quốc nội thực tế và tạo ra việc làm tương đương với 4,6% lực lượng lao động toàn thành phố. Khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng bình quân 2,55%/năm với việc đón xấp xỉ 0,679 triệu lượt người mỗi năm. Đó là bức tranh tổng quan đáng ghi nhận của ngành du lịch, dịch vụ của thành phố, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội thành phố những năm gần đây.
Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Lê Tất Vinh khẳng định: Trong nỗ lực phát triển ngành du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch có những chuyển biến rõ rệt.
Các dự án hoàn thành đem lại diện mạo mới cho du lịch thành phố, tạo ra việc làm và nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút đông hơn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh việc đầu tư xây mới, nâng cấp, nâng hạng các khách sạn và hệ thống cơ sở lưu trú với 890 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao, ngành du lịch chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch. Nhiều tua, tuyến du lịch được khôi phục và hình thành, bước đầu khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của thành phố. Trong đó, nhiều tuyến được khách du lịch, nhất là khách quốc tế, ưa chuộng như du khảo đồng quê về Vĩnh Bảo, Tiên Lãng; du lịch sinh thái biển và du lịch cộng đồng ở Cát Bà, Đồ Sơn.
Trong nỗ lực đưa hình ảnh du lịch Hải Phòng đến rộng rãi với người dân và du khách trong nước, quốc tế, ngành du lịch triển khai nhiều nội dung, chiến dịch và cách thức tuyên truyền, quảng bá ngày càng rõ nét, thiết thực, sinh động. Mặt khác, thành phố tăng cường hợp tác về du lịch với các địa phương trong và ngoài nước, trong đó có một số tổ chức phát triển du lịch quốc tế như TPO châu Á- Thái Bình Dương; Trung Quốc…
Trong giai đoạn từ 2006- 2009, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách 458,871 tỷ đồng với 15 hạng mục, dự án. Mặt khác, việc quản lý và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch được thúc đẩy với những tín hiệu khả quan, có tới 30 dự án được thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng từ năm 2006 đến nay và nhiều dự án đang triển khai, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. |
Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Hải Phòng chưa đáp ứng mong đợi. Những khó khăn trong quảng bá xúc tiến; quản lý Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực, lao động trong ngành cũng như môi trường đầu tư đang đặt ra những thách thức lớn. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các đơn vị và cá nhân hoạt động trong ngành du lịch, cần thiết có sự quan tâm, tạo cơ chế phát triển ngành du lịch của trung ương cũng như thành phố.
Văn Lượng