Hôn nhân còn - mất, tùy vào… hàng xóm

Kể đến muôn yếu tố tạo nên sự vất vả của cuộc sống hôn nhân, nhiều người sẵn sàng đưa vào nhân tố... hàng xóm. Chuyện tưởng nhỏ, nhưng nghe mà giật mình: Đôi khi, hôn nhân của bạn còn hay mất không phụ thuộc vào... bác hàng xóm.

Kể đến muôn yếu tố tạo nên sự vất vả của cuộc sống hôn nhân, nhiều người sẵn sàng đưa vào nhân tố... hàng xóm. Chuyện tưởng nhỏ, nhưng nghe mà giật mình: Đôi khi, hôn nhân của bạn còn hay mất không phụ thuộc vào... bác hàng xóm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi hàng xóm là... kẻ thù giấu mặt

Người ta nói, hàng xóm thường "tối lửa tắt đèn", nghĩa là thân thiết và giúp nhau khi hoạn nạn, nhưng những trường hợp sau thì có vẻ như chuyện hoàn toàn ngược lại.

Hai tháng nay, nhà chị Thy không ngày nào được yên ổn mà nguyên nhân là ở... bà hàng xóm. Số là bà Tú, mẹ chị Thy từ quê lên chơi nhà con trai mới cưới vợ nửa năm nay. Ở được hai tuần, bà kết thân với bà Năm, hàng xóm. Lúc về quê, hai bà vẫn hay liên lạc qua lại.

Lần nọ, bà Tú nhận cuộc gọi từ bà hàng xóm: "Bà lên mà xem, con trai bà bây giờ thành ô sin trong nhà rồi, việc gì cũng lăn lưng ra làm, con vợ thì về nhà chỉ việc nằm khểnh ra đọc sách, có ngược đời không?". Xót con, bà bàn với ông lên nhà con ở một thời gian để "lập lại trật tự". Trật tự đâu không thấy, chỉ thấy chuyện nhà rối tung lên vì bà mẹ chồng suốt ngày xét nét từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, “hành” con dâu đủ kiểu.

Trước đó, vợ chồng chị đã có một thỏa thuận phân chia lại việc nhà hết sức ổn, đó là trong thời gian vợ bận rộn làm luận án tiến sĩ, chồng  vui vẻ kiêm thêm việc nhà. Thế nhưng, với “gián điệp” hàng xóm, giờ chị vợ đành rầu rĩ như ngồi trên đống lửa, nhờ chồng làm giúp thì mẹ chồng ngúyt háy, mà làm hết việc thì thời gian đâu mà hòan thành luận án?.

Cạnh căn hộ chung cư nhà chị Lưu, ngụ quận 2, TP HCM có cô hàng xóm mới chuyển đến. Cô gái còn trẻ, bốc lửa, thường xuyên vận quần đùi, áo hai dây hoặc áo ngủ mỏng tang đi lượn vòng quanh khu nhà trước con mắt hau háu của các ông chồng.

Cũng như tất cả phụ nữ trên đời, phản ứng của chị Lưu và các chị em khu chung cư là tự vệ, nghĩa là đứng lại một phía với nhau và tẩy chay người mới. Họ lườm nguýt, háy nhau, cười rúc rích mỗi khi cô đi qua. Tinh thần tương trợ vốn là truyền thống của khu nhà cũng không được áp dụng với cô gái, cô xách nặng không ai thèm đỡ, nấu nướng mà lỡ có hết ớt tiêu mắm muối, gõ cửa hàng xóm cũng không ai cho, nhạc vẳng ra nhà cô mà có to hơn một chút, lập tức có tiếng đập cửa lẫn tiếng quát: “Mất trật tự vừa thôi chứ”.

Một ngày nọ, chị Lưu va phải cô hàng xóm tại bãi gửi xe chung cư, và ngớ người khi trông thấy đôi môi sưng đỏ của cô. Đang trố mắt nhìn một cách khá bất nhã, chị giật mình vì câu nói đầy ác ý: "Nhìn gì mà nhìn, có biết sao tôi bị vậy không, về mà hỏi đức ông chồng chị ấy, tối qua hôn qúa lố nên nó thế đấy".

Chị xây xẩm cả mặt mày liên tưởng đến ánh mắt háo hức của chồng mỗi khi đi ngang cô hàng xóm, tối qua ông ta lại về trễ bất thường... Cả tháng sau đó, nhà chị Lưu không yên ổn với những trận cãi vã, đay nghiến, nghi kị...

Cuối cùng, một lần tâm sự, hội phụ nữ của cả khu mới vỡ lẽ "đòn thù" của cô hàng xóm: Cả tháng qua, nhà nào cũng có chuyện. Nhà thì thường xuyên bị cô sang "mượn" chồng thay dùm bóng điện lúc vợ đi vắng, có bà vợ thì được cô úp mở về cái váy mới của cô do ông chồng tặng. Thực hay không chưa rõ, nhưng chuyện ồn ào tới mức tổ dân phố phải tổ chức cuộc họp can thiệp, và khi cô hàng xóm chuyển đi, thì cả xóm, nghĩa là "hội" phụ nữ thở dài nhẹ nhõm, còn cánh đàn ông thì khẽ giấu tiếng thở dài tiếc nuối...

Biến hàng xóm thành “đồng minh”

Có một dạo, chồng chị Thu không hiểu vì sao vợ mình “chuyện gì cũng biết”. Hai vợ chồng chị mở một tiệm bán điện gia dụng nhỏ ngay tại nhà. Chị đi dạy nên anh lo việc bán hàng. Thời gian đầu, tiền rủng rỉnh, anh thoải mái chi tiêu, lập qũy đen, lâu lâu buồn đóng cửa đi bù khú với bạn bè cả buổi, chẳng ai quản lý, sướng như tiên.

Thế mà ba tháng nay, chẳng hiểu sao chị vợ anh như có mắt thần, anh có bao nhiêu khách mỗi ngày, doanh thu tầm bao nhiêu, siêng năng đứng bán hay “lặn” với bạn bè, chị đều nắm rõ, anh chối cách mấy cũng không ăn thua. Camera thì không lắp, thuê thám tử chắc chắc là không, chị đời nào làm chuyện đó.

Anh nghĩ nát nước không hiểu lý do, mà thực ra rất đơn giản: Chị có “gián điệp” là bà hàng xóm bán quán nước. Mọi động tĩnh của anh đã có bà hàng xóm “quay phim” và về “phát lại” cho chị mỗi ngày. Phát hiện ra điều này, anh định làm ầm lên với bà hàng xóm lẫn vợ, nhưng rồi cũng phải dịu lại khi chị thủ thỉ: “Em làm vậy vì hạnh phúc gia đình mình”. Còn anh, sau đó cũng “chỉnh mình”, không dám “thả cửa” như trước.

Chị Phương Hoa, ngụ phường 6, Bình Thạnh chia sẻ: “Muốn gia đình mình êm ấm, nhất thiết không thiếu khâu “đối ngoại”, mà  hàng xóm là một phần quan trọng. Với hàng xóm nhất quyết phải “có chiêu”, người hiền mình đối đãi thế này, mà hung dữ tọc mạch thì thế khác. Nếu “căng” với người ta, tình cảm sứt mẻ, đôi khi người ta trở thành “kẻ thù giấu mặt”, phá hoại hạnh phúc nhà mình thì nguy. Cứ ngọt nhạt, biến thành bạn bè, đồng minh là tốt nhất. Tất nhiên, cũng có những hàng xóm mà mình “bó tay” vì đáng sợ, nhưng khi ấy, biết đường mà tránh xa, đừng gây mất lòng mà thiệt thân…”.

Thế mới biết, chuyện hàng xóm là chuyện hoàn toàn không “đơn giản”. Để cuộc sống gia đình – vốn đã chứa đựng nhiều phức tạp, bớt đi những phiền muộn không đáng có, thì “hóa giải” hàng xóm là việc cần làm, lâu dài và cần thiết.

Trân Trân

Đọc thêm