[links()]Nói một cách hình ảnh, pháp luật nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn còn “khép chặt cửa” với vấn đề kết hôn đồng giới, so với một số ít nước đã bắt đầu “mở hoặc hé cửa”. Điều này cho thấy, việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân đồng giới không phải là ý kiến chủ quan của một nhóm người làm luật, mà đó là sự cộng hưởng từ rất nhiều phương diện đặc điểm văn hóa quốc gia, quan điểm xã hội, sự nhận thức qua từng thời kỳ của cộng đồng…
|
Hình minh họa |
Không cấm nhưng cũng không công nhận
Đến năm 2000, khi đạo luật HN&GĐ hiện hành ra đời thì vấn đề hôn nhân đồng giới đã chính thức xuất hiện trong điều luật. Thái độ dứt khoát đối với hôn nhân đồng giới đã được thể hiện, Khoản 5, Điều 10 của luật ghi rõ: “Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”.
Theo phân tích của TS Nguyễn Văn Cừ - Phó Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự - Trường ĐH Luật Hà Nội - thì tuy từ Luật HN &GĐ năm 1959 đến luật năm 1986 không có điều nào cấm, nhưng điều đương nhiên được thể hiện trong luật là hôn nhân phải là của người đàn ông và người đàn bà. Những quy định của hai đạo luật đã thể hiện rõ logic ấy, ví dụ như nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên, hay việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định....
Khi xây dựng Luật HN&GĐ năm 2000, dư luận xã hội bắt đầu xuất hiện khái niệm về hôn nhân đồng giới và nhu cầu công nhận việc kết hôn của những người này. Thế nhưng, khi lấy ý kiến của qua các kỳ họp Quốc hội đều bị phản bác. Thế nên, Luật HN&GĐ năm 2000 đã có hẳn điều luật riêng để cấm người đồng tính kết hôn với nhau.
Dù không ĐKKH cũng có thể xử phạt
Trao đổi với PLVN xung quanh câu chuyện kết hôn của những người đồng tính, TS Nguyễn Văn Cừ cho rằng vấn đề hôn nhân đồng tính là một câu chuyện rất nhạy cảm. Theo ông, “Lý thuyết của môn Tâm thần học Tư pháp, đồng tính là một dạng bệnh. Tuy nhiên, đó chỉ là một quan điểm. Hiện nay, nhiều người có quan niệm khác, họ cho rằng đó là quyền tự do của con người. Trong cuộc sống, xét ở góc độ tự nhiên và khoa học, mỗi người sinh ra đều có những quyền cơ bản, trong đó có quyền kết hôn.
Vậy nên khi sinh ra họ có thể là nam, có thể là nữ, hoặc có thể là một người bị khuyết tật về giới tính… thì với quan điểm tôn trọng tuyệt đối quyền tự do cá nhân, phải công nhận quyền kết hôn của họ. Tại một số nước đã điều chỉnh hành vi hôn nhân của những người cùng giới tính bằng những văn bản luật rất cụ thể. Khi pháp luật cho phép hôn nhân cùng giới tính thì những mối quan hệ đó cũng có giá trị như những cuộc hôn nhân khác giới tính khác.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hôn nhân đồng tính vẫn đang được nhiều người xem là việc làm trái với cái lẽ rất tự nhiên, trái với phong tục tập quán từ xưa, đó là cái thuyết thông thường của một gia đình, nam nữ lấy nhau, thành vợ thành chồng để thực hiện một trong số những chức năng rất quan trọng là sinh đẻ, duy trì nòi giống.
Đây là trách nhiệm đối với xã hội. Gia đình là một tế bào của xã hội, nên nó bắt buộc phải có chức năng đó. Thế nên, “quy định của pháp luật hiện hành là rất chuẩn. Nó rất phù hợp với nền tảng đạo đức, truyền thống của người Châu Á nói chung, và người Việt Nam nói riêng”.
Nói về chế tài đối với những đám cưới đồng tính,TS Nguyễn Văn Cừ cho biết: “Với trường hợp những người đồng giới tự làm một lễ tuyên hôn, như một lễ cưới theo phong tục tập quán, để thông báo với mọi người về sự gắn kết của họ, thì không thể quy họ vào “kết hôn trái pháp luật”. Bởi, kết hôn trái pháp luật là trường hợp có đăng ký kết hôn, nhưng vi phạm các điều cấm theo luật định.
Ở đây, nếu họ dùng thủ đoạn che dấu để đăng ký kết hôn được thì rõ ràng là họ đã vi phạm pháp luật, trong trường hợp đó, Tòa sẽ xử hủy việc đăng ký kết hôn của họ. Nếu không đăng ký kết hôn, nhưng có những chứng cứ cho thấy họ “chung sống với nhau như vợ chồng” thì việc chung sống đó cũng sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 87/2011 về xử lý hành chính các hành vi vi phạm Luật HN&GĐ.”
Sửa luật – tính sao với 3 luồng quan điểm?
Sau một thời gian dài thực thi, Luật HN&GĐ đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung để cập nhật kịp thời các xu hướng xã hội. Là người “đứng mũi chịu sào” trong quá trình thu thập ý kiến, đánh giá, cân nhắc để sửa luật, đến nay Bộ Tư pháp đã tổ chức một số cuộc hội thảo về những bất cập của Luật HN&GĐ năm 2000 cũng như xu hướng sửa đổi. Không nằm ngoài dự đoán, cuộc hội thảo nào, vấn đề hôn nhân đồng giới – nên cho phép hay không – cũng được các chuyên gia, những người trong cuộc và báo giới quan tâm nhất.
|
Trong cuộc hội thảo khoa học cấp Bộ mới đây nhất ngày 12/7 “Nhận diện những bất cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 từ góc nhìn thực tế” do Viện Khoa học Pháp lý và Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) phối hợp tổ chức, theo báo cáo tổng quan do ông Nguyễn Hồng Hải – Trưởng Phòng Pháp luật Dân sự, (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) trình bày thì trong tiến trình chuẩn bị, lấy ý kiến để tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000, qua các cuộc hội thảo, thảo luận gần đây của các chuyên gia, đại diện các ban ngành liên quan có thể thấy hiện đang có 3 quan điểm lớn về kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Đó là: không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng cần quy định cụ thể về hậu quả chung sống giữa những người cùng giới tính; Nên cân nhắc việc kết hôn giữa những người cùng giới tính; Giữ nguyên quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính và không quy định về hậu quả việc chung sống giữa họ.
Hiện giờ còn quá sớm để nói quan điểm nào sẽ được lựa chọn để đưa vào dự thảo luật mới nhưng chỉ biết rằng với nhận thức xã hội hiện nay, cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc của người đồng tính đã và đang dần được cộng đồng quan tâm và cảm thông.
Tuy nhiên, để đi đến kết luận cuối cùng thì nhất thiết phải có một cuộc điều tra kỹ về thực tiễn cộng đồng người đồng tính ở Việt Nam, về quan điểm của cộng đồng xã hội về vấn đề này theo thuyết đa số… trước khi có những thay đổi về pháp luật đối với việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhằm tránh những hậu quả về đạo đức và tranh chấp pháp lý đáng tiếc xảy ra.
Xuân Hoa – Vân Tùng