Mức độ ô nhiễm không khí ở Hồng Kông đã tăng cao kỷ lục, với Cơ quan bảo vệ môi trường cảnh báo màn “mây khói độc” bao phủ thành phố là một hiểm họa đối với dân chúng.
Chính quyền Hồng Kông cho hay chỉ số ô nhiễm không khí (API) hiện nay đã tăng gấp đôi và dân chúng được khuyên ở trong nhà hoặc tránh tiếp xúc lâu với những khu vực đông xe cộ.“Chỉ số API hiện nay đang ở mức cao kỷ lục”, người phát ngôn của cơ quan Bảo vệ môi trường cho hay.
Đường chân trời cùng vịnh nổi tiếng của Hồng Kông thường xuyên bị phủ trong màn sương mờ khói bụi, được cho là thảm họa đối với sức khỏe của dân chúng và khiến một số người tránh xa khỏi trung tâm tài chính quốc tế này. Tháng 7/2008, cơ quan môi trường thành phố đo được mức ô nhiễm không khí là 202, thấp hơn nhiều so với con số kỷ lục 413 hiện nay ở một nhà ga ven đường.
|
“Khi bão cát từ miền bắc Trung Quốc di chuyển tới miền nam cùng với gió mùa đông bắc, ảnh hưởng tới Hồng Kông, chỉ số ô nhiễm không khí được dự đoán sẽ tăng “rất cao” tới mức rất xấu”, tuyên bố cho biết. Dựa trên chỉ số API, những người có vấn đề về tim mạch và hô hấp được khuyên ở trong nhà, khi chỉ số xuống còn hơn 100. Công chúng được khuyên ở trong nhà, tránh tiếp xúc lâu với khu vực nhiều xe cộ, khu vực có chỉ số API hơn 200.
"Mỗi ngày có 3 người chết vì ô nhiễm không khí"
Vào ngày 5/3 vừa qua, một nhóm các doanh nghiệp, trong đó có Starbucks, Pacific Coffee, Ben & Jerry’s và Pure Fitness, đã phát động một chiến dịch thỉnh cầu ý kiến chưa từng có tiền lệ để chiến đầu với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng ở Hồng Kông.
|
Những người tổ chức còn đăng quảng cáo trên báo chí, cảnh báo khói bụi Hồng Kông “giết chết 3 người mỗi ngày” và không khí “bẩn hơn gấp ba lần thành phố New York”. Dữ liệu từ Đài quan sát Hồng Kông ngày 2/3 cho thấy số giờ “tầm nhìn bị giảm”, (được định nghĩa là tầm nhìn không quá 8km khi không có sương, khói hoặc mưa) tăng chóng mặt mỗi năm, từ 295 năm 1988 lên 1139 vào năm ngoái. Giới chức Hồng Kông thường đổ lỗi nguyên nhân khiến bầu không khí ô nhiễm là do khí thải từ vành đai nhà máy ở miền nam Trung Quốc đổ xuống biên giới bắc Hồng Kông.
Nhưng một nghiên cứu của cơ quan phân tích Civic Exchange (Trao đổi đô thị) vào năm ngoái cho hay khí thải trên đường phố của chính Hồng Kông là nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí ở thành phố đông đúc, 7 triệu dân này.
Phan Anh
Theo Dân Trí