Xã Hợp Tiến không những là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng mà từng di tích lịch sử ở đây như Đình Đầu, Nghè Bến… mãi mãi trở thành những địa chỉ đỏ rất đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương.
Dấu ấn lịch sử cách mạng
Hợp Tiến là một xã nằm ở phía Bắc huyện Nam Sách, có phía Tây là Tỉnh lộ 390, phía Đông gần Quốc lộ 37, phía Bắc giáp 2 con sông lớn là sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Song song với hai con sông này là một hệ thống đê điều kiên cố và các con đường liên xã, liên thôn khác.
Dưới chế độ cũ, nơi đây tuy có vị trí và đường giao thông thủy bộ quan trọng, thuận lợi, dễ bề tiến thoái, nhưng lại thuộc vùng nông thôn nghèo hẻo lánh, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn nên ít bị nhòm ngó. Bởi vậy, Tạ Xá (một trong 3 xã cũ của Hợp Tiến trước đây) đã được cán bộ Đảng lựa chọn để xây dựng cơ sở cách mạng của Liên tỉnh B.
|
Cổng di tích lịch sử Đình Đầu tại xã Hợp Tiến. |
Ngày 19/5/1940, tại Nghè Bến – một địa điểm ở đầu thôn Bến (xã Hợp Tiến) được xây dựng cách ngày nay khoảng 200 năm, Chi bộ Đảng Tạ Xá đã được thành lập và cũng là Chi bộ đầu tiên của huyện Nam Sách. Từ đây, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, các phong trào quần chúng đã phát triển sâu rộng, mạnh mẽ vào mọi tầng lớp nhân dân.
Từ năm 1940, Hợp Tiến cũng như Đình Đầu (thuộc thôn Đầu, xã Hợp Tiến, nơi thờ Thành hoàng Phật Minh Công chúa thời Trần) trở thành cơ sở cách mạng trung tâm vùng nông thôn quan trọng của Liên tỉnh B, tỉnh ủy Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội…
Nếu như Nghè Bến có niên đại khoảng 200 năm thì Đình Đầu có từ thời Lê Trung Hưng, được tái tạo vào năm Khải Định 1917. Những năm 1939 – 1945, đình là nơi cất giấu vũ khí, nơi thành lập đội tự vệ đầu tiên của tỉnh Hải Dương, là cứ địa để nhân dân tập trung đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đồng thời, đình còn là cơ sở để cán bộ lãnh đạo địa phương chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của Đảng.
|
Đình Đầu - nơi thành lập đội tự vệ đầu tiên của tỉnh Hải Dương. |
Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, Đình Đầu hiện nay chỉ còn lại một ngôi đình kiến trúc kiểu chữ Đinh, với tòa đại bái gồm 5 gian diện tích khoảng 162m2, mỗi gian chừng 3,6m, làm theo kiểu bốn vì, kết cầu chồng rường. Sau đại bái là 2 gian Hậu cung (chừng 42m2). Toàn bộ kiến trúc của ngôi đình được làm bằng các nguyên liệu quý: gỗ lim, mái lợp ngói ta mũi vỏ sò, sàn gỗ ván, nền lát gạch Bát Tràng.
Bên cạnh ngôi đình lịch sử cách mạng cổ kính này, ở Hợp Tiến còn có một ngôi nhà truyền thống. Đây là ngôi nhà truyền thống cấp xã đầu tiền của tỉnh Hải Dương, nơi lưu giữ các hiện vật lịch sử mà trọng tâm là thời kỳ cách mạng kháng chiến, nhằm giáo dục cho các thế hệ hôm này và mai sau về truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân địa phương, nơi khai sinh Đảng bộ tỉnh Hải Dương và “địa chỉ đỏ” trong quá trình cách mạng và kháng chiến.
|
Nghè Bến - nơi chi bộ Đảng Tạ Xá được thành lập. |
Với những ý nghĩa giá trị lịch sử đó, năm 1992, Đình Đầu đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Kể từ khi được xếp hạng, toàn bộ khu di tích đã được bảo vệ và từng bước nâng cấp, tu sửa khá hoàn thiện.
Vững bước xây dựng quê hương
Những năm tháng chiến tranh dần lùi xa, nhưng niềm tự hào của người dân xã Hợp Tiến về một thời hào hùng vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây, trên chặng đường đổi mới quê hương, niềm tự hào ấy được biến thành hành động thiết thực. Toàn Đảng bộ, chính quyền xã đoàn kết, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương vững bước tiến lên.
|
Nhà truyền thống của xã Hợp Tiến cũng là nhà truyền thống cấp xã đầu tiên của tỉnh Hải Dương. |
Ông Lê Văn Ba, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Tiến chia sẻ: Ngày nay, phát huy truyền thông quê hương cách mạng anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hợp Tiến đồng lòng, đồng sức, tiếp tục có những bước tiến vượt bậc về kinh tế - xã hội.
Xã tập trung chỉ đạo sản xuất sát với điều kiện tình hình thực tế địa phương, phát huy lợi thế, chú trọng chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân, làm thay đổi diện mạo làng quê nông thôn mới.
Người dân Hợp Tiến cần cù, chịu thương chịu khó, luôn trăn trở tìm tòi hướng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, thế mạnh địa phương. Năm 2019, tổng giá trị sản xuất thu được 321,50 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch cơ cấu kinh tế chung và đã có sự chuyển biến tích cực giữa nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tương ứng là 37,95%, 41,13%, 13% và 20,92%.
|
Ông Lê Văn Ba - Bí thư Đảng ủy xã Hợp Tiến. |
Các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng đảng, các ngành đoàn thể đạt trong sạch, vững mạnh. Chất lượng công trình bền vững, đạt yêu cầu, hạ tầng giao thông được cải thiện, tạo đà cho kinh tế - xã hội cũng được phát triển theo…
Về Hợp Tiến hôm nay, sức sống mới đang được thổi bùng lên trên vùng quê cách mạng ngày nào. Những đổi thay càng khẳng định, nhân lên niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây sẽ là tiền đề và điều kiện quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Hợp Tiến tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu để phát triển quê hương ngày càng vững mạnh, giàu đẹp hơn nữa.