Vàng hóa thành hình dạng đàn gà, buồng chuối di chuyển trên nóc nhà nhưng hễ thấy bóng người, nghe thấy lời trách quở là chúng lại tan biến trong nháy mắt... Đó là những chuyện mà người dân thôn Xóm Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn truyền tai nhau từ bao đời nay.
Nơi được cho liên tục xuất hiện “vàng sống” là khu vực xung quanh di tích Tháp Đôi Liễu Cốc.
Tòa tháp lớn ở di tích Tháp Đôi |
“Kho báu” bất khả xâm phạm?
Không ai ở thôn Liễu Cốc Thượng (nay là thôn Xóm Tháp) nhớ đích xác hai tòa tháp đôi trong làng có từ bao giờ. Ông Nguyễn Văn Cấn, năm nay tròn tuổi 60 cho hay trước ông nhiều thế hệ, tòa tháp đôi đã tồn tại uy nghi tráng lệ, được xây dựng cách nhau chừng 10m, hoàn toàn làm bằng chất liệu gạch thẻ được kết dính bằng hỗn hợp lạ đến nay vẫn chưa thể lí giải.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, tòa tháp đôi nay chỉ còn phần chân tháp là “nguyên bản”, cây cối bao phủ um tùm. Do di tích không còn nguyên vẹn nên ngày nay người dân vẫn gọi đây là phế tích Tháp Đôi Liễu Cốc. Các già làng trong thôn cho biết xưa kia đất làng vốn là vùng người Chăm sinh sống đông đúc.
Điều khiến người ta sợ sệt khi nhắc đến tháp đôi là lời đồn “vàng sống”. “Vàng hóa thành nhiều hình thù khác nhau như đàn gà, buồng chuối, hình mâm cơm di chuyển sáng trưng giữa đường làng, đi trên nóc nhà. Vàng đó chỉ nhìn thấy chứ không thể lấy được, thấy bóng dáng con người chúng lập tức biến mất. Nếu có bắt lấy được thì cục vàng lúc này đã hóa đá”, ông Cấn nhắc lại những lời nghe cha ông kể.
Tỏ ra kì bí không kém, cụ bà Nguyễn Thị Nhỏ (81 tuổi) cho biết: “Tháp đôi “thiêng” lắm, ngày xưa “vàng sống” xuất hiện như cơm bữa ai cũng bắt gặp nhưng tuyệt đối không được đụng vào. Ai tham lam mạo phạm đến “vàng sống” nhẹ thì bị ốm đau, nặng có thể mất mạng như chơi”.
Cũng theo lời cụ Nhỏ được nghe kể lại, tháp được ví như nấm mồ lớn chôn cất những người chức sắc của Chiêm Thành xưa kia. Nhiều lời đồn cho rằng dưới lòng đất nơi tháp đôi tọa lạc có rất nhiều châu báu, vàng bạc. Tuy nhiên, từ xưa đến nay chưa có người nào trong làng dám xới đất để tìm vàng bởi họ không dám vượt qua lời nguyền định mệnh: Hễ ai đào đất tìm vàng đều có kết cục bi thảm.
Cụ Nhỏ dẫn chứng ngày trước có nhiều người lạ nơi khác đến không tin lời nguyền nên hì hục đào trộm đất đai trong khu tháp tìm vàng. Kết quả là những người này đều đau ốm, bệnh tật triền miên, thậm chí không biết bao nhiêu kẻ đã phải bỏ mạng lại nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Cấn, trưởng họ tộc Nguyễn Văn dẫn chứng thêm dưới thời Pháp thuộc, lính Pháp đem máy móc hiện đại tới tìm vàng ở đây nhiều lần đều bất thành. “Chúng dùng máy khoan để dò tìm, nhưng tất cả mũi khoan khi chạm xuống mặt đất đều gãy một cách kì lạ. Người cầm máy khoan sau đó cũng bị bệnh lạ ốm đau nên bọn chúng sợ hãi không dám khoan tiếp nữa”, ông Cấn cho hay.
Ông Cấn lí giải thêm ngày xưa được cha ông kể rằng Tháp đôi là nơi chôn sống nhiều người cùng vàng bạc nên mức độ “linh nghiệm” đáng phải “kiêng nể”. “Vàng bạc dẫu có thật đi chăng nữa cũng khó mà hưởng lạc nếu đó không phải của mình”, ông Cấn nói.
Ông Nguyễn Văn Cấn kể về truyền thuyết quanh di tích |
Vành đai “không ưa” xác chết
Các già làng thôn cho hay vùng đất bao quanh tháp chính là “vùng địa linh” che chắn cho hai tòa tháp, có bán kính chừng 20m tính từ tâm là tòa tháp lớn. Người dân truyền tụng đây là khu đất “thần linh trú ngụ” nên tuyệt đối không được chôn cất người chết. Từ bao đời nay quy tắc ngầm này vẫn được người làng “khắc cốt ghi tâm” nhằm tránh những tai họa không đáng.
Ông Nguyễn Văn Cấn chia sẻ, cách đây hơn 10 năm có một người làng “ngủng ngẳng” cho rằng lời đồn “vùng địa linh” nhảm nhí. Khi một người thân của ông qua đời, người này đã bất chấp mọi lời can ngăn mà đem chôn thi thể người thân cạnh tòa Tháp Đôi. Mấy ngày đầu không có chuyện gì bất lợi xảy ra khiến người này càng đắc chí cười chê những ai từng khuyên can mình.
Thế nhưng ngay sau ngày mở cửa mồ gia đình người quá cố liên tiếp gặp nhiều tai họa: Con cháu đi đường bị tai nạn một cách nực cười như tự ngã xe, tự tông vào cây bên đường. Không những vậy người này bỗng dưng đổ bệnh nặng, thuốc thang mãi vẫn không thuyên giảm.
“Bấy giờ gia đình kia mới bàn họp quyết định di dời ngôi mộ sang nơi khác và làm lễ tạ lỗi tại miếu Bà dưới chân tháp mới được bình an trở lại. Đây là trường hợp duy nhất ở làng từ trước đến nay dám vi phạm quy tắc ngầm chôn cất thi thể trong “vùng địa linh””, ông xác nhận câu chuyện.
Những tai nạn đó có thể chỉ là ngẫu nhiên, thế nhưng vô tình làm tăng thêm tính “linh thiêng” của ngọn tháp. Người địa phương thêu dệt nên biết bao chuyện kì bí liên quan, từ bên trong tháp “có con thuồng luồng nghìn năm tuổi sinh sống nhưng hiếm khi xuất hiện”, rồi có “con rắn hình thù kì quái bề ngang lớn hơn bề dài, có mào đỏ trên đầu, ban đêm cất tiếng gáy “te te” phát ra từ gốc cây nằm cạnh tòa tháp”.
Thời gian sau này người ta nhận định “rắn thần” có thể đã di chuyển lên vùng núi phía Tây thị xã Hương Trà. “Chúng tôi từng nhìn thấy dấu vết con vật bò trườn khiến cây cối bị gãy rạp. Nó nhằm hướng mấy ngọn núi trườn lên, đứa cháu tôi trong lúc đi làm đồng về đã thấp thoáng nhìn thấy rắn di chuyển nhưng không đủ can đảm đứng lại nhìn rõ”, người đàn ông tên Huy trong xóm mô tả.
Không rõ những câu chuyện trên có bao nhiêu phần trăm là sự thật, và tính hoang đường rõ ràng là nhiều hơn, tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là với người dân ở đây, di tích này có vị trí hết sức đặc biệt. Hiện phía trước hai tòa tháp vẫn còn ngôi miếu cổ khá nguyên vẹn có tên “Miếu bà cô xóm tháp” được xây dựng từ đời vua Thành Thái, là nơi dân làng thường xuyên hương khói.
Tháp Đôi Liễu Cốc là công trình đặc trưng của văn hóa Chămpa được xác định trên 1000 năm tuổi, gồm một tháp lớn và một tháp nhỏ. Tháp lớn có chiều cao khoảng 4m, tường tháp dày 1,6m, diện tích lòng tháp khoảng 9m2. Bên trong tháp còn lưu giữ một đoạn vòm cuốn gạch của đỉnh tháp, đây là nét đặc trưng kết cấu thể hiện trong các công trình kiến trúc - văn hóa tôn giáo Chăm. Tháp nhỏ hoàn toàn giống tháp lớn về chất liệu cũng như kĩ thuật xây dựng nhưng diện tích lòng tháp chỉ rộng chừng 7m2. Ngày 20/7/1994 công trình Tháp Đôi Liễu Cốc được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 921/QĐBT. Hiện nay di tích Tháp Đôi Liễu Cốc đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo. |
Mai Văn